Theo quan niệm của Phật giáo Đại thừa thì đức Phật được biểu hiện qua nhiều hình ảnh. Chúng ta thường nghe nói đến “tam thân” của Phật, đó là Báo thân, Ứng Hóa thân (còn gọi là Hóa thân) và Pháp thân. Trong ý nghĩa đó thì cho dù Báo thân của Phật không còn nữa nhưng Hóa thân và Pháp thân của Phật vẫn còn hiện hữu giữa cuộc đời để soi đường chỉ lối cho chúng ta. Đức Phật vẫn luôn hiện hữu giữa lòng nhân loại để đem lại nguồn an lạc hạnh phúc cho con người. Vấn đề là chúng ta phải tu tập như thế nào để tiếp xúc được với đức Phật, làm cho đức Phật ở trong ta hiển lộ, để đức Phật thật sự có mặt với chúng ta trong từng giây phút của hiện tại. Làm được như vậy sự sống của chúng ta mới có ý nghĩa và đời sống chúng ta mới trở nên hạnh phúc an vui thật sự.
Một vị Thiền sư Trung Hoa nói rằng: “Phật vàng không khỏi hư hoại do lò đúc, Phật gỗ không khỏi hư hoại do lửa cháy, Phật đất không khỏi hư hoại do nước và thời gian. Chỉ có Phật thật ngồi ở bên trong mỗi người thì bất hoại mà thôi”.Điều này cho chúng ta thấy rằng: đức Phật ở trong lòng mỗi chúng ta mới là quan trọng, còn mọi hình tướng bên ngoài đều mang tính biểu tượng mà thôi. Như vậy,để làm cho đức Phật có mặt với chúng ta hẳn nhiên chúng ta phải tiếp xúc được với những đức tính của Phật, làm cho những tính chất của Phật hiển lộ ra nơi chúng ta. Làm được như vậy phải chăng đức Phật sẽ luôn có mặt với chúng ta, bảo hộ, che chở cho chúng ta?! Trong chúng ta ai cũng biết rằng những đức tính biểu trưng của một đức Phật là lòng thương yêu và sự tỉnh thức thường trực trong mỗi giây phút của tâm thức. Hay nói cách khác, Phật là từ bi, là trí tuệ, là tỉnh thức. Những đức tính này vốn có sẵn trong mỗi chúng ta, chỉ cần chúng ta biết trở về tiếp xúc với các đức tính này thì tự nhiên Phật tánh ở trong chúng ta sẽhiển lộ ra. Cốt lõi của sự tu tập là sống Chánh niệm trong mỗi phút giây của mọi hoàn cảnh, lúc nào cũng giữ cho tâm chúng ta luôn được định tĩnh, tự chủ,thương yêu và tỉnh thức để có thể tạo ra nguồn an lạc hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người xung quanh.
Trong truyền thống đạo Phật tại Việt Nam chúng ta, mỗi gia đình theo đạo Phật thường có một bàn thờ Phật rất trang nghiêm ởgiữa nhà để thờ phụng, chiêm ngưỡng mỗi ngày. Đây là một truyền thống tốt đẹp mà dân tộc chúng ta đã có được. Nếu chúng ta biết áp dụng vào việc tu tập thì bàn thờ Phật sẽ là nơi giúp ta rất nhiều trong đời sống tâm linh của ta và của cả gia đình. Có nhiều gia đình Phật tử, mỗi tối trước giờ đi ngủ, cha mẹ và con cái đều đến trước bàn thờ Phật ngồi tĩnh tâm và tụng một bài kinh ngắn. Có giađình khác, mỗi sáng trước khi đi làm và trước khi đến trường, mọi người đều đến trước bàn Phật, yên lặng ngồi xuống thỉnh ba tiếng chuông thật khoan thai, an tĩnh để cùng thở vào thở ra vài hơi, rồi xá Phật và rời ngôi nhà của mình để đến sở làm và đến trường học. Nếu chúng ta bắt đầu một ngày mới với sự hiện hữu hộ niệm của đức Phật và nuôi dưỡng hình ảnh đức Phật suốt ngày trong tâm thì chắc chắn hạnh phúc và bình an sẽ đến với chúng ta bằng sự tiếp xúc với đức Phật như vậy…
Đức Phật vẫn luôn có đó cho chúng ta. Đây là việc làm tốt mà người lớn nên cần thực tập để trẻ em có thể bắt chước theo.Đó là cách chúng ta Phật hóa gia đình và giáo dục con cái qua hành động chứkhông chỉ bằng lời nói. Đức Phật luôn hiện hữu ở khắp mọi nơi và ở ngay trong trái tim của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta biết trở về, biết sống tỉnh thức, sâu sắc và trọn vẹn trong từng phút giây của đời sống hàng ngày thì chúng ta tiếp xúc được với đức Phật, làm sống dậy Phật tánh trong chúng ta. Như vậy thì đức Phật luôn có mặt với chúng ta và nụ cười sẽ luôn nở trên môi mình, đời sống chúng ta trở nên tươi đẹp, an vui. Có niềm vui nào lớn hơn sự tịnh lạc của tâm hồn đâu nhỉ?!
Nguyên Tịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét