19 thg 12, 2012

TÌM EM TRONG CÕI HAO GẦY

http://honque.com/HQ051/hinhbia.jpg

Thơ Lục Bình là một chuỗi kiếm tìm, kiếm ý tứ câu thơ, tìm nỗiđau trần thế. Câu thơ về đời sống, có lúc chòng chành, có lúc nổi trôi. Bản thân nhà thơ và những tự thể của đời sống khác đều được trái đất “địa đàng” cưu mang từ lúc lọt lòng cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay về với cát bụi. Mỗi đời sống cứthế “chòng chành, trôi nổi” theo thời gian bốn mùa xuân hạ thu đông. Và mỗi đời sống đều định hình cho mình bằng những cuộc kiếm tìm, có thể là hạnh phúc, là khổ đau, là trần tục, là siêu thoát, là lý tưởng, là buông xuôi …, như chim mộng tìm người mơ. Nhưng tìm mà có gặp được, có thấy được vẫn là dấu chấm lững, dấu hỏi “có chăng ?”
Anhđi tìm tứ câu thơ
Chòng chành trôi nổi nương nhờ thế gian
Địa đàng ngày tháng cưu mang
Ngóng sang xuân hạ thu hàn có chăng …
Trong muôn thưở của nhân loại và thi ca, người ta dựng lên và tôn vinh khuôn mặt của giai nhân: gầy như cây liễu trong thơ cổ,đôi mắt xanh xao bẽn lẽn chào. Bình cũngđi tìm ánh nguyệt tình yêu, chếnh choáng men nồng, chao nghiênh sóng biếc, lạc bước ngập ngừng trong mộng thực, mộng ảo hằng nga một cõi duyên:
Anh về tìm bóng nguyệt hằng
Vành môi em ngấn da gần thơm sen
Bàn tay em ngỡ thân quen
Kiếp xưa từng nắm màu kem thiên đàng...
Bờmôi, hương thơm, làn da, bàn tay nắm … ngỡ như thân quen mà bỗng trở thành niềm hắt hủi, nghe thoảng lời yêu thủ thỉ thầm. “Anh qua nếm nghĩa tình tang”, cái tình giữa chợ, mang ràng vào thân, ba sinh chưa phỉ, một lần đa đoan. Cái tình là những ưu phiền, “bao năm ghiền nếp hụp chìm” con tim. Cụm từ “ghiền nếp” rất hay. Ghiền là đắm say, ưa thích, không có khôngđược. Nếp là thói quen, quán tính, bản năng, truyền thống, như người ta thường nói nếp nghĩ, nếp sống, nếp nhà …,nhưng ở đây là “nếp hụp chìm”, trong tình một khắc, đớn đau một đời. Và như thế thì “có tìm nhưthể không tìm được em …”
Anh qua nếm nghĩa tình tang
Gió bôn ba cũng núi hang ưu phiền
Bao năm ghiền nếp hụp chìm
Có tìm như thể không tìm được em ..
Tình trong cõi thực đâu có dễ kiếm tìm, thế là Bình quay ra kiếm tìm trong cõi mộng, trong blog ảo, “anh vào nhặt chút yêu thêm” để đời xôn xao trong mắt em màu nắng, “về nhà dán để lem thèm câu thơ” cho lòng Bình là thơ lãng du trong ngày lặng. Lại một cụm từ hấp dẫn nữa, lem thèm. Lem là lăm lem, chỉ ý muốn chiếm hữu. Thèm là thèm thuồng, chỉ cho sự khát khao, aoước. Bình đứng riêng một góc nhà, nhìn ngắm nàng thơ, “lem thèm” từng câu chữ, tứ thơ, ầu ơ ru ngọt nàng thơ cả “sáng chiều mưa nắng”. Cũng có khi Bình thả hồn thơ vào con nước lớn, vì cuộc đời của Bình vốn trôi nổi bềnh bồng. Cũng có lúc Bình muốn tỉ tê một chút tình mộng mơ với nàng kiều (cây cầu), mà trong tay chỉ có mảnh tình còm, ngoảnh đi ngoảnh lại già tom mất rồi.

Anh vào nhặt chút yêu thêm
Về nhà dán để lem thèm câu thơ
Sáng chiều mưa nắng ầu ơ
Đợi con nước lớn thả mơ mộng kiều…
Mỗi ngày Bình nhặt “một chút yêu thêm”, một chút hanh hao, một chút hoài niệm, một chút lòng buồn lối cũ ngập mưa tuôn, để đưa một cái tự thể đong đưa bé bỏng của mình hòa quyện vào cái đại thể “mĩ miều” không cùng tận. Đó không phải chỉ là những góp nhặt, mà là những trải nghiệm cuộc đời buồn vui thăng trầm, tiếng vỡ nơi vườn địa đàng kéo theo niềm đau nỗi nhớ, bào xé ruột gan. Tuổi già, hoàng hôn của cuộc đời, chiều buông dần chiều, nhưng nhà thơ điềm nhiên đến lạ, “quay về lục hết hao mòn, ném qua thác dữ hóa tròn bình minh”. Bình lúc nào cũng yêu bình minh, phải chăng anh yêu hình ảnh bình minh ở quê anh, hình ảnh đó đã in đậm trong tâm khảm anh, làm thành một triết lý sống, “sinh diệt, diệt sinh”. Mặt trời lặn rồi mặt trời mọc. Con người sinh ra rồi con người chết đi nhưng những tinh hoa góp nhặt, những cái mĩ miều “chân thiện mỹ” vẫn theo hoài từ vô thủy đến vô chung. Có điều, con người ta phải biết gom lại,lục tìm những “hao mòn”, những kỷ niệm ưu phiền, những nỗi khổ niềm đau, những hạt giống xấu ác mà ném vào thác nước đầu ghềnh cho chúng tan mất đi, chỉ còn lại những “mĩ miều” đón chào một ngày bình minh mới.
Anh sang gom những mĩ miều
Giờ phì nhiêu cũng thêm nhiều hòang hôn
Quay về lục hết hao mòn
Ném qua thác dữ hóa tròn bình minh ...
Dù Bình có “đi, về, qua, vào, sang” cõi thơ thì anh vẫn là nhà thơ rất đỗi yêu đời, tình và thơ kéo vào lót ổ, đất và trời níu nhau về thinh không, hoàng hôn và bình minh quyện nhau trong thái cực, từ đó hạnh phúc nhoi ra, tình yêu chớm dậy, và con người đối xử với nhau tử tế hơn lên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét