19 thg 12, 2012

THỬ BÀN VỀ GIAI THOẠI CA DAO LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO DUY TỪ (1572-1634)

http://i393.photobucket.com/albums/pp14/Tristesse_baby/BAC3PHI%20YEMDAO%20MAGICWOMAN/493344460_8a83d2a0f8_o1.jpg


ĐàoĐức Nhuận

Trong kho tàng ca dao Việt Nam, "Trèo lên cây bưởi hái hoa" là một bài ca dao trữ tình đặc sắc,được truyền tụng qua nhiều thế hệ, được nhiều người biết đến và ưa thích. Nó cũng đã được ghi lại rất sớm trong những bộ sưu tập tục ngữ ca dao viết bằng chữ Nôm cách đây hàng trăm năm như sách Quốc Phong Thi Hợp Thái được biên soạn từ cuối thế kỷ thứ 19 và đã được nhà Quan Văn Đường khắc in từ năm 1910, sáchĐại Nam Quốc Túy của Ngô Giáp Đậu được biên soạn từ năm 1908, sách An Nam Phong Thổ Thoại... Bài ca dao đó như sau:

Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!
- Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Bài ca dao này cũng đã được gán vào một giai thoại văn chương có liên quanđến Đào Duy Từ (1572-1634), một khai quốc công thần của dòng họ Nguyễn ở Đàng Trong trong buổi đầu lập nghiệp.

Thoạt tiên, ông Dương Tụ Quán (1901-1969) đã mượn tài liệu của ông Sở Bảo Doãn Kế Thiện (1894-1965) để viết nên một giai thoại văn chương về Đào Duy Từ có liên quan đến bài ca dao dẫn thượng trong quyển Đào Duy Từ do nhà Đông Tây thưquán ở Hà Nội ấn hành năm 1944.

Giai thoại văn chương này có thể đã được nhiều tác giả trích dẫn ; tuy nhiên, ở đây, chúng tôi chỉ nêu lên 2 trường hợp trích dẫn có liên quan đến bài viết của chúng tôi. Đó là quyển Giai thoại Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam do Vũ Ngọc Khánh biên soạn và Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam (Hà Nội) ấn hành năm 1986. Trong tác phẩm này, ông Vũ Ngọc Khánh đã căn cứ vào quyển Đào Duy Từ của Dương TụQuán để viết thành một giai thoại văn chương với nhan đề “Ba Đồng Một Mớ Trầu Cay” như sau:

“Chuyện kể rằng, khi được biết Đào Duy Từ đã bỏ quê hương vào giúp chúa Nguyễn trong Nam, lập được những công tích, chúa Trịnh Tráng rất lo lắng. Muốn lôi kéoĐào Duy Từ trở về giúp mình, Trịnh Tráng cho người bí mật đem vàng bạc, lễ lạt vào dụ dỗ. Đào Duy Từ không nhận, gửi ra cho chúa Trịnh một bài ca dao:

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Thấy Đào Duy Từ như vậy, Trịnh Tráng vẫn cứ kiên trì phái người đi dụ dỗ một lần nữa. Đào Duy Từ lại gửi tiếp cho Trịnh Tráng hai câu:

Có lòng xin tạ ơn lòng
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!

Dụ dỗ mãi không được, Trịnh Tráng bèn đổi lòng từ chỗ thuyết phục sang chỗkhích bác, bằng cách đặt ra những câu hát:

Có ai về tới đường trong
Nhắn nhe bố đỏ liệu trông đường về
Mãi tham lợi bỏ quê quán tổ
Đất nước người dù có như không!...

Đào Duy Từ có biết những câu đầy ác ý đó, nhưng không trả lời nữa” (1)

Trong phần ghi chú của câu chuyện kể trên, Vũ Ngọc Khánh cũng xác nhận chuyện nầy trích từ quyển Đào Duy Từ của Dương Tụ Quán và Dương Tụ Quán đã viết chuyện này căn cứ theo tài liệu của Sở Bảo Doãn Kế Thiện.

Đến năm 1995, trong quyển Bình Giảng Ca Dao do nhà xuất bản Giáo Dục ở Hà Nộiấn hành, sau khi tóm tắt giai thoại gần như của Vũ Ngọc Khánh, trong phần ghi chú [1] ông Hoàng Tiến Tựu đã ghi: “Xem Giai thoại Văn nghệ Dân gian. GS VũNgọc Khánh biên soạn. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. H. 1986” (2)

Xem phần ghi chú nêu trên, chúng tôi tin rằng ông Hoàng Tiến Tựu đã căn cứ vào giai thoại được ghi lại trong sách của Vũ Ngọc Khánh để xác định thời gian xuất hiện của bài ca dao nói trên.

Trước khi bàn đến giai thoại, chúng tôi xin được tóm lược một vài nét chính trong tiểu sử của Đào Duy Từ.

Đào Duy Từ, sinh năm 1572, người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn (nay là huyện Tĩnh Gia), tỉnh Thanh Hóa. Thân phụ là Đào Tá Hán, từng làm quản giáp trông coiđoàn nữ nhạc trong đại nội thời vua Lê Anh Tông (1556-1573). Nổi tiếng thông minh, có nhiều hoài bão, thế nhưng mãi đến năm 20 tuổi ông mới ứng thí kỳ thi hương khoa Nhâm Thìn (1592) do Bình An vương Trịnh Tùng (1570-1620) tổ chức nhưng đã bị loại vì ông bị xem thuộc tầng lớp xướng ca hạ tiện theo quan niệm của xã hội Đàng Ngoài thời bấy giờ. Phẫn chí vì biết mình không thể tiến thân bằng con đường khoa cử trên đất Bắc, ông đã thổ lộ tâm sự với Lê Thời Hiến, một viên quan dưới triều vua Lê nhưng cũng rất trọng tài của Đào Duy Từ:

-"Tôi nghe đất Thuận Quảng đất hiểm mà dân giàu, vị chúa ở đấy lại biếtđãi người một cách khiêm nhượng, rõ cách cư xử của bậc bá vương; nếu ta đến theo, rồi bày mưu định kế thì trên có thể làm được như Tề Hoàn, Tấn Văn, dưới cũng không thể mất được cái thế chân vạc." (3)

Không rõ ông đã vào Nam từ lúc nào; chỉ biết rằng, lúc đầu ông trú tại huyện VũXương, nay thuộc tỉnh Quảng Trị. Có lẽ tìm mãi không có cơ hội tiến thân, ôngđã lần mò vào tới Bình Định đi ở chăn trâu cho một nhà giàu ở xã Tùng Châu, phủHoài Nhơn, nay thuộc Quy Nhơn. Về sau ông được quan Khám lý Trần Đức Hòa, một trọng thần của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1735) đón về làm gia sư rồi gả con gái cho (*).

Năm 1727, sau chiến thắng trong trận chiến đầu tiên với quân Trịnh, Trần Đức Hòa đã tiến cử Đào Duy Từ cho nhà Chúa. Đào Duy Từ đã đem tất cả tài ba thao lược của mình ra giúp chúa và đã được Sãi Vương tín cẩn giao cho nhiều trọng trách. Ông cho xây lũy Trường Dục và lũy Nhật Lệ (còn gọi là lũy Thầy) để chận bước xâm lấn của quân Trịnh ở phía Bắc, trông coi việc chấn chỉnh quân cơ và phong tục, tham mưu về chính sự và đã được Sãi Vương phong chức Quân Cơ Tham Lý Quốc Chính và phong tước Lộc Khê hầu. Ngoài tư cách một nhà cai trị, một nhà quân sự tài ba, ông còn là một nhà văn hóa có công lớn trong việc phát triển nghề hát bội và là người khởi thảo tuồng San Hậu, một nhà thơ, nhà văn tên tuổi của thế kỷ thứ XVII với các tác phẩm: Ngọa Long Cương vãn (thơ chữ Nôm), TưDung vãn (thơ chữ Nôm), Hổ Trướng Xu Cơ (biên khảo quân sự bằng chữ Hán)...Ông từ trần năm 1634, hưởng thọ 62 tuổi.

Trong tác phẩm Bình Giảng Ca Dao, sau khi kể lại giai thoại đại loại như trên, ông Hoàng Tiến Tựu đã viết:

"Những giai thoại và truyền thuyết lịch sử thường xuất hiện khi các sựkiện lịch sử mà chúng phản ánh vừa diễn ra còn mang tính thời sự nóng hổi vàđược đông đảo nhân dân đương thời quan tâm chú ý. Giai thoại kể trên, dù là chuyện có thực hay chuyện hư cấu, bày đặt, thì nó cũng là sản phẩm của thời kỳTrịnh – Nguyễn phân tranh, cụ thể là của thời gian Đào Duy Từ rời bỏ quê hươngở Đàng Ngoài chạy vào Đàng Trong theo Chúa Nguyễn.

Bài ca dao "Trèo lên cây bưởi hái hoa" chắc chắn đã ra đời từ trước và đến thời gian này được sử dụng (phần thứ hai) vào giai thoại nói trên. Dù là chuyện có thực hay chuyện hư cấu thì giai thoại ấy cũng là một bằng chứng phản ánh sự ra đời khá sớm, ít nhất là từ đầu thế kỷ XVII của bài ca dao này". (4)

Trước khi tìm hiểu xem bài ca dao này có thể nói lên tâm trạng của Đào Duy Từhay không, và để từ đó đi đến kết luận là bài ca dao này có thể làm nền cho giai thoại kể trên hay không, có thể là “một bằng chứng phản ánh sự ra đời khá sớm, ít nhất là từ đầu thế kỷ XVII của bài ca dao này” hay không, chúng ta cần tìm hiểu nội dung đích thực của bài ca dao.

Và để phản bác luận điểm nói trên của Hoàng Tiến Tựu, chúng tôi xin được phép mượn ngay cách giải thích của ông trong phần bình giảng về bài ca dao này.

Trước hết, người viết xin định vị vai trò của các nhân vật trong bài ca dao theo như giai thoại được kể:

Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh (chúa Trịnh) chẳng hỏi những ngày còn không.
Bây giờ em (Đào Duy Từ) đã có chồng (chúa Nguyễn) …

* Chàng trai (người tình của cô gái) là chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.

* Cô gái tức Đào Duy Từ.

* Người chồng tức chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Theo Hoàng Tiến Tựu, bài ca dao "Trèo lên cây bưởi hái hoa" có thể được hiểu theo 3 cách. Ở đây người viết xin tìm hiểu về cách hiểu thứ hai và thứ ba trước khi tìm hiểu về cách hiểu thứ nhất.

* "Cách hiểu thứ hai: Bài ca dao được coi là sự đối đáp tỏ tình của đôi trai gái gặp nhau, biết nhau và cảm nhau muộn mằn – khi cô gái đã có chồng..." (5)

Theo cách giải thích nầy, "đôi trai gái" (tức chúa Trịnh và Đào Duy Từ) "gặp nhau, biết nhau và cảm nhau muộn mằn – khi cô gái đã có chồng" là không đúng với thực tế lịch sử. Cái chuyện "gặp nhau, biết nhau...muộn màng – khi cô gái đã có chồng" (tức là sau khi Đào Duy Từ đã vào Nam theo chúa Nguyễn) chỉ có thể đúng đối với chúa Trịnh (tức Trịnh Tráng) vì chỉ sau khi được biết vị quân sư tài ba cho chúa Nguyễn ở Đàng Trong chính là Đào Duy Từ, người đã từng bị họ Trịnh từ chối không cho lập nghiệp bằng conđường khoa cử, thì Trịnh Tráng mới giật mình và vội vàng cho người đem lễ vật vào mua chuộc họ Đào mong họ Đào bỏ chúa Nguyễn mà trở về Đàng Ngoài với mình; chứ (cô gái) Đào Duy Từ thì đã biết tư cách của (chàng) chúa Trịnh ngay từ sau ngày bị chúa Trịnh từ chối không cho dự kỳ thi Hương khoa Nhâm Thìn (1592) kia; nhưng chắc chắn "chàng trai (Trịnh Tráng) và "cô gái" (Đào Duy Từ)không thể "cảm nhau muộn mằn" được. Nếu có "cảm" thì chỉmình "chàng trai" Trịnh Tráng "cảm" mà thôi, cảm là cảm một nhân tài mà mình đã để vuột khỏi tầm tay, còn "cô gái" Đào Duy Từkhông hề cảm mà có thể cô gái còn tỏ ra bực bội nữa là đằng khác vì thực tếlịch sử đã cho thấy Đào Duy Từ rất được chúa Nguyễn trọng dụng và tình cảm giữa chúa Nguyễn và Đào Duy Từ là một tình cảm thực sự gắn bó, thực sự keo sơn, vàĐào Duy Từ cũng đã coi chúa Trịnh như là kẻ thù của mình!

* "Cách hiểu thứ ba: Bài ca dao được coi là sự đối đáp một vế, cả hai phầnđều là lời của cô gái nói với chàng trai. Đôi trai gái đã yêu nhau từ trước nhưng vì lý do nào đó, họ không lấy được nhau. Sau khi cô gái đi lấy chồng, chàng trai thất tình đau khổ như dại như điên...Cô gái đã thấu tỏ tất cả nhữngđiều đó và cô đã chủ động gặp anh giãi bày tâm sự, chia sẻ cùng anh nỗi tiếc thương, phiền muộn mà anh đã âm thầm chịu đựng không dám nói và không thể nói thành lời..." (6)

Theo cách hiểu này thì cô gái (Đào Duy Từ) đã thấu tỏ mối tình nồng thắm và tuyệt vọng của chàng trai (chúa Trịnh) và nàng đã "chủ động gặp anh (tức chúa Trịnh) giãi bày tâm sự..." Cách hiểu này cũng không phù hợp với thực tếlịch sử vì chính "chàng trai" (tức chúa Trịnh) đã chủ động cho người mang lễ vật vào Đàng Trong để mua chuộc cô gái (Đào Duy Từ) chứ không phải chính cô gái đã gặp chàng trai trước để tự mình giãi bày tâm sự với chàng!

* Bây giờ chúng ta thử khảo sát về cách hiểu thứ nhất cũng là cách hiểu phổbiến nhất. "Bài ca dao được coi là lời tâm sự giữa đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì những nguyên nhân khách quan nào đó..." (7)

"...Vẫn theo cách hiểu thứ nhất thì cô gái ở đây tuy đã "có chồng" nhưng không có tình yêu và hạnh phúc. Cho nên sau khi trách móc chàng trai chậm trễ và thiếu chủ động trong việc đi hỏi, cô gái đã tiếp tục than thở và than thở bằng những lời thống thiết, xót xa:

Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra!

Một người con gái đã có chồng mà thở than bằng những lời lẽ như thế rõ ràng là một người bất hạnh, bất bình và bất lực, muốn "gỡ", muốn "ra" khỏi cuộc hôn nhân không như ý nhưng không có khả năng và điều kiện". (8)

Cách giải thích nầy rất sát với nội dung của bài ca dao nhưng hoàn toàn không phù hợp với thực tế lịch sử theo như trong giai thoại được lược dẫn trên đây.

Về ý thứ nhất "lời tâm sự giữa đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì những nguyên nhân khách quan nào đó...". Trong bài ca dao quả làđôi trai gái nầy đã yêu nhau thắm thiết trước khi cô gái có chồng, thế nhưng, trong thực tế lịch sử, "cô gái" (Đào Duy Từ) và "chàng trai" (chúa Trịnh) không hề "yêu nhau" mà trong thực tế lịch sửlại còn ghét bỏ nhau là đằng khác. Bằng chứng là chúa Trịnh đã "nhẫn tâm" gạt bỏ Đào Duy Từ xem chàng là con nhà "xướng ca vô loại"(!) không cho dự cuộc thi hương năm Nhân Thân (1592) đến nỗi Đào Duy Từ phẫn chí đã bỏ cả quê cha đất tổ để vào Nam tìm đường tiến thân!

Cô gái trong bài ca dao “tuy đã có chồng nhưng không có tình yêu và hạnh phúc", trong lúc đó với Đào Duy Từ thì ngược lại, họ Đào đã tự chọn "người yêu" như lời tâm sự của ông với Lê Thời Hiến trước khi ông vào Nam theo chúa Nguyễn: "Tôi nghe đất Thuận Quảng đất hiểm mà dân giàu, vịchúa ở đấy lại biết đãi người một cách khiêm nhường, rõ cách cư xử của bậc bá vương; nếu ta đến theo, rồi bàn mưu định kế thì trên có thể làm được như TềHoàn, Tấn Văn, dưới cũng không thể mất được cái thế chân vạc" và còn hạnh phúc nào hơn khi được chúa Nguyễn trọng dụng và họ Đào đã có thể đem hết khảnăng và hoài bão của mình để phục vụ cho một minh chúa mà mình đã lựa chọn và ông đã tạo ra bao nhiêu thành quả như trong phần tiểu sử đã dẫn.

Do đó, cô gái trong bài ca dao có thể thở than trong tuyệt vọng "cá cắn câu biết đâu mà gỡ - chim vào lồng biết thử nào ra" còn trong thực tế lịch sử, Đào Duy Từ và chúa Nguyễn vẫn ngày đêm bên cạnh nhau để bàn về quốc sự nhưsách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên do sử quan triều Nguyễn biên soạn đã ghi: "Chúa và Đào Duy Từ ngày đêm mưu tính chống họ Trịnh, Duy Từ mong được người hiền tài để tiến dẫn giúp chúa" (9). Vậy không thể có chuyện Đào Duy Từ(cô gái) thở than như trong giai thoại đã nhắc đến.

Bây giờ chúng ta thử xét xem giai thoại ở trên có xuất xứ từ đâu?

Như chúng ta đã biết, giai thoại nầy được Dương Tụ Quán ghi lại trước tiên trong tác phẩm "Đào Duy Từ" từ năm 1944 và mấy chục năm sau, Vũ Ngọc Khánh đã trích lại trong tác phẩm Giai Thoại Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam (1986) và Hoàng Tiến Tựu kể lại trong Bình Giảng Ca Dao (1993).

Trong sách Giai thoại Văn nghệ Dân Gian Việt Nam, sau khi kể lại giai thoại "Trèo lên cây bưởi hái hoa", Vũ Ngọc Khánh đã ghi trong phần chú thích là Dương Tụ Quán biên soạn giai thoại này theo tài liệu của Sở Bảo. Rất tiếc chúng tôi chưa được đọc tác phẩm Đào Duy Từ của Dương Tụ Quán nên chúng tôi không biết ông Sở Bảo Doãn Kết Thiện đã lấy giai thoại nầy từ nguồn nào, nguồnđó xuất phát từ bao giờ, có đáng tin cậy hay không?

Trở lại bài bình giảng của Hoàng Tiến Tựu. Trong phần nhập của bài giảng, ông Hoàng Tiến Tựu đã viết như sau:

-“Chưa rõ bài ca dao này ra đời từ lúc nào và tại đâu?” (10).

Tiếp đó trong trang sau ông lại viết:

-“Giai thoại kể trên, dù là chuyện có thực hay chuyện hư cấu, bịa đặt, thì nó cũng là sản phẩm của thời kỳ Trinh-Nguyễn phân tranh, cụ thề là của thời gianĐào Duy Từ rời bỏ quê hương ở Đàng Ngoài chạy vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn.

Bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa” chắc chắn (Đ.Đ.N nhấn mạnh) đã ra đời từtrước và đến thời gian này được sử dụng (phần thứ hai) vào giai thoại nói trên. Dù là chuyện có thực hay chuyện hư cấu thì giai thoại ấy cũng là một bằng chứng phản ánh sự ra đời khá sớm, ít nhất là từ đầu thế kỷ XVII của bài ca dao này.”(11)

Như ở trên chúng tôi đã biện giải, trong cả 3 trường hợp theo cách bình giảng của ông Hoàng Tiến Tựu, không trường hợp nào có thể phù hợp với Đào Duy Từ. Nhưvậy, giai thoại kể trên hoàn toàn không phù hợp với nhân vật lịch sử Đào Duy Từ, do đó, cũng không thể xác định là nó đã xuất hiện trước khi Đào Duy Từ vào Nam theo chúa Nguyễn, tức là trước thế kỷ thứ 18 như Hoàng Tiến Tựu đã xác quyết trong phần dẫn thượng.

Vả lại, như chúng tôi đã viết trên đây, bài ca dao này được sưu tập sớm nhất là vào những năm cuối thế kỷ thứ 19 và được khắc in sớm nhất vào thập niên đầu của thế kỷ 20. Giai thoại được Dương Tụ Quán (theo tài liệu của Sở Bảo) viết ra kểvề một nhân vật cách đó hơn 300 năm có thể được xem là xác tín chăng?

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Ghi chú:

(*) Theo Kính Phủ (tức Nguyễn Án, 1770-1815) trong bài viết về ông Lê Thời Hiến trong sách Tang Thương Ngẫu Lục, nhất thuyết cho rằng Đào Duy Từ khi vượt sông Gianh vào Nam theo chúa Nguyễn có mang theo vợ. Tôi tin điều này đúng, vì sau khi được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong dụng, giữ vai trò quan trọng trong triều đình Nam Hà, ông đã gả con gái cho một tướng tài thời bấy giờ là Nguyễn Hữu Tiến (1602-1665). Cô con gái này chắc hẳn là con của người vợ đã theo ông từ Thanh Hóa vào Nam. Còn con gái của Trần Đức Hòa có lẽ là kế thất và khi cưới bà này, Đào Duy Từ đã ngoài 53 tuổi và 9 năm sau ông từ trần, thọ 62 tuổi. Vậyđôi vợ chồng này không thể có con gái đủ lớn để gả cho Nguyễn Hữu Tiến lúc ấyđã ở vào lứa tuổi xấp xỉ 30.
(1) Giai thoại Văn nghệ Dân gian Việt Nam, trang 50 – Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hà Nội, 1986
(2) Bình giảng Ca dao, trang 131 – Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1995
(3) Việt sử xứ Đàng Trong, trang 175 – Nhà xuất bản Xuân Thu, Hoa Kỳ tái bản.
(4) Bình giảng Ca dao, trang 131
(5) Bình giảng Ca dao, trang 134
(6) Bình giảng Ca dao, trang 137
(7) Bình giảng Ca dao, trang 133
(8) Bình giảng Ca dao, trang 134
(9) Việt sử xứ Đàng Trong, phụ chú (1), trang 175
(10) Bình giảng Ca dao, trang 130
(11) Bình giảng Ca dao, trang 131


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét