19 thg 12, 2012

NGUYÊN NHÂN ĐỨC PHẬT GIẢNG PHÁP HẠNH PHÚC

Hai mươi sáu thế kỷ trướcđây, nghĩa là khi đức Phật chưa thành đạo, đất nước cổ xưa Ấn Độ đã phát triển cực thịnh về mặt tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh. Các trường phái triết học nườm nượp ra đời để giải đáp những câu hỏi liên quan đến con người, số phận con người và kiếp sống hữu hạn của con người. Đại lược như:
- Người ta từ đâu sanhđến?
- Tại sao lại chết?
- Chết rồi sanh đi đâu?
- Tại sao người giàu sang, kẻ nghèo hèn khác nhau?
- Làm sao tìm được hạnh phúc?
Do giải đáp những câu hỏiđó mà sinh ra nhiều tôn giáo, tùy theo kiến thức và quan niệm của các vị giáo chủ - tìm cách giảng giải sao cho thuyết phục tín đồ.
Phong trào ấy phổ biến rất mau và rất sâu rộng trong miền Trung và Tây Bắc Ấn. Người ta thường tụ tập dưới cội cây to nơi ngã ba đường, ngã tư đường để bàn cãi và giảng giải những vấn đề nêu trên.
Trong tất cả các câu hỏiấy, câu hỏi cuối cùng là quan trọng nhất. Người ta thắc mắc, ưu tư, trăn trởrằng là: “Cái gì thật sự đem đến hạnh phúc cho nhân loại?”
Có vị giáo chủ đáp: “Phàm trong thân thể con người, mắt là quan trọng nhất - vì mắt đem lại ánh sáng, là nguồn ánh sáng cho con người. Không có mắt, con người sẽ không nhìn thấy vạn vật xung quanh, sẽ sống trong tối tăm vĩnh viễn. Vậy theo chủ kiến của tôi: Mắtđem lại hạnh phúc cho con người. Mắt là nguồn hạnh phúc!”
Khi ấy có người hỏi gặng:“Vậy là ngài xác định, khẳng định rằng, mắt đem đến hạnh phúc thật sự cho con người có phải chăng?”
Vị giáo chủ tự tin đáp: “Đúng vậy! Mắt được xem như là chủ nhân của cái thân nầy và cả đời sống của con người nữa. Tôi còn xác tín rằng, mọi vật mà mắt trông thấy đều đem đến hạnh phúc cho con người!”
Người kia bèn phản bác lại: “Lập luận của ngài không đứng vững được rồi. Đâu phải cái gì, sự vật gì, hiện tượng gì mắt nhìn thấy hẳn là hoàn toàn tốt đẹp? Này nhé, những người phong hủi, ghẻ lở, khuyết tật ngũ quan; phân, xác thối, vật dơ uế, bất tịnh; rồi còn những chuyện trái ý nghịch lòng, những cảnh chướng tai gai mắt... đôi khi chúng mang đến khó chịu, bực bội hoặc mủi lòng thì có - chớ làm gì có chuyện - cái gì mắt nhìn thấy đều đem đến hạnh phúc?”
Ông giáo chủ cụt hứng, im re. Tuy nhiên, thật lạ lùng làm sao, ông vẫn truyền bá được chủ thuyết ngây ngô và ấu trĩ ấy đến quần chúng và cũng được rất đông mọi người tín mộ, nghe theo. Nó vẫn tồn tại giữa cuộc đời. Chủ thuyết ấy được gọi là Diṭṭhamaṅgala -có nghĩa thấy là hạnh phúc!
Lại có vị giáo chủ khác chủ trương “Nghe là hạnh phúc”- phạn ngữ là Sutamaṅgala.Ông ta nói: “Nếu nói thấy là hạnh phúc thì thật là lầm, vì mắt không quan trọng như người ta nói, chính tai mới là quan trọng. Mắt là một giác quan lười biếng nhứt trong thân nầy; vật gì nằm ở phía trước và có ánh sáng nó mới trông thấy được, nếu thiếu ánh sáng hoặc vật ấy ở sau lưng, nó không trông thấy được! Thế là mắt không quan trọng bằng tai, vì tai nghe không cần ánh sáng, không cần trước mặt, sau lưng, phương hướng nào nó cũng nghe được; vì vậy nên tôi quan niệm rằng tai mới là vật đem lại hạnh phúc cho con người”.
Có người hỏi : “Thưa ngài, vậy những tiếng gì đã nghe do nơi tai đều là hạnh phúc và an lành hết chăng?
Vị giáo chủ ấy đáp: “Chắc chắn vậy"
Người nọ hỏi: “Nếu vậy khi nghe tiếng chửi bới nguyền rủa có phải là hạnh phúc chăng?”
Vị giáo chủ với chủtrương “Nghe là hạnh phúc”không giải thích cho thông sự thật ấy được!
Lại có vị giáo chủ khác nữa, chủ trương rằng “Sự suy nghĩ là hạnh phúc”, phạn ngữ là Cintāmaṅgala.Vị ấy nói rằng: “Sự thật trong thân người, bộ phận quan trọng nhất là tâm. Nhờ có tâm, con người mới biết được mọi việc; có tâm mới hành động và phân biệtđược mọi lẽ. Người biết suy nghĩ cũng do nơi tâm, bởi tâm mới là nhân đem đến hạnh phúc cho nhân loại. Vạn vật trên vũ trụ nầy đều do tâm tạo, nên tâm mới thật sự đem lại hạnh phúc cho ta”.
Có người đứng lên hỏi: “Lời ngài dạy dường như chỉ đúng một nửa! Vừa rồi, có một bọn cướp vừa bị xử trảm tại pháp trường! Có phải là do sự suy nghĩ của họ đem sự tai hại cho họ hay không? Vậy ở đây phải cần thêm các yếu tố lành tốt hay xấu ác nữa chứ?!”
Thế là thêm một vị giáo chủ bị loại trừ. Nhưng thiên hạ bấy giờ vẫn còn cố gắng tranh luận, đi tìm biết nguyên nhân của hạnh phúc, nói chung là cứ loanh quanh, luẩn quẩn nơi lục căn và lục trần!
Người ta thường đem những lý thuyết trên kia ra tranh luận với nhau, sự tranh biện như thế kéo dài đến 12 năm cũng chẳng ngã ngũ vào đâu. Đến sau, đức Thế Tôn đắc quả Vô Thượng ChánhĐẳng Giác, ngài truyền bá chân lý sâu rộng trong cõi Diêm-phù-đề. Nhiều người bạch hỏi đức Thế Tôn về Hạnh phúc, lúc ấy đức Thế Tôn mới dạy 38 pháp hạnh phúc.
+ Ba mươi tám pháp Hạnh phúc ấy, có thể chia ra làm hai loại là:
1. Hạnh phúc theo quanđiểm của các giáo chủ, đạo sĩ, triết gia: Là tự mình tìm thấy một nguyên nhân nào đó đem lại hạnh phúc cho mình, rồi tưởng rằng, nguyên nhân ấy cũng có thể đem đến hạnh phúc cho nhân loại. Trường hợp ba vị giáo chủ ở trên, với quan niệm hạnh phúc ấy của họ - thì thật là hời hợt, nông cạn, phiến diện, một chiều, rất giới hạn và rất cục bộ vậy!
2. Hạnh phúc do sự thấy biết của đức Phật:Đây là những hạnh phúc do ngài thấy biết bằng sự chứng ngộ, giác ngộ! Những hạnh phúc này không phải là quan niệm, quan điểm của cá nhân ngài - mà nó là sựthực được ngài thấy biết bằng tuệ giác sau khi đắc đạo dưới cội cây bồ-đề - nhờcông đức ba-la-mật huân tu trong vô lượng kiếp.
+ Phàm người muốn được hạnh phúc thì phải thực hành 38 pháp, phân 3 cấp độ là:
1. Từ hạnh phúc thứ nhất tới thứ pháp thứ 18, để tạo nên một đời sống hạnh phúc giữa nhân quần, xã hội...
2. Từ pháp thứ 19 tới pháp thứ 30 là để dạy tâm cho được vững chắc, trong sạch - không để cho tâm bịtiền tài, danh vọng làm cho lung lay, hoen bẩn.
3. Từ pháp 31 tới pháp 38 là để dứt phiền não, nhập Niết-bàn, là nơi an vui, hạnh phúc tuyệt đối.
Các bực tại gia cư sĩ và các hàng xuất gia hành trì các pháp hạnh phúc ấy tùy theo trình độ tinh tấn của mỗi hạng, từ các bực căn cơ thấp kém cho tới bực phước duyên tròn đầy. Nói một thể khác thì, 38 hạnh phúc này dạy cho người Phật tử chơn chính - phương pháp tìm kiếm và an lập được hạnh phúc tương đối ở trên đời; sau đó có thể hành trì, tu tập thêm cho đến nơi giải thoát hoàn toàn, thọ hưởng hạnh phúc siêu thế!
38 hạnh phúc được thuyết giảng trong mười câu kệ ngôn trình bày theo thứ tự sau đây:


HẠNH PHÚC KINH
Như vậy tôi nghe / Một thời Thế Tôn / Ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá / Của Trưởng giả Cấp Cô Độc / Gần thành Xá vệ. / Khi đêm gần mãn / Có một vị Trời / Dung sắc thù thắng / Hào quang chiếu diệu / Sáng tỏa Kỳ Viên / Đến nơi Phật ngự / Đảnh lễ Thế Tôn / Rồi đứng một bên / Cung kính bạch Phật / Bằng lời kệ rằng:
“Chư Thiên và nhân loại
Suy nghĩ điều hạnh phúc
Hằng tầm cầu mong đợi
Một đời sống an lành
Xin ngài vì bi mẫn
Hoan hỷ dạy chúng con.
Về phúc lành cao thượng”
(Thế Tôn tùy lời hỏi
Mà giảng giải như vầy)
1. Asevanā ca bālānaṃ
Paṇḍitānañca sevanā
Pūjā ca pūjanīyānaṃ
Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ.
1. Không gần gũi kẻ ác
Thân cận bậc trí hiền
Đảnh lễ người đáng lễ
Là phúc lành cao thượng.
2. Paṭirūpa-desa-vāso ca
Pubbe ca kata-puññatā
Atta sammā paṇīdhi ca
Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ
2. Ở trú sứ thích hợp
Công đức trước đã làm
Chân chánh hướng tự tâm
Là phúc lành cao thượng.
3. Bāhu-saccañca sippañca
Vinayo ca susikkhito
Subhāsitā ca yā vācā
Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ.
3. Đa văn, nghề nghiệp giỏi
Thông suốt các luật nghi
Nói những lời chân chất
Là phúc lành cao thượng.
4. Mātā-pitu upaṭṭhānaṃ
Putta-dārassa saṅgaho
Anākulā ca kammantā
Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ.
4. Hiếu thuận bậc sinh thành
Dưỡng dục vợ và con
Sở hành theo nghiệp chánh
Là phúc lành cao thượng.
5. Dānañca dhamma-cariyā ca
Ñātakānañca saṅgaho
Anavajjāni kammāni
Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ
5. Bố thí hành đúng pháp
Giúp ích hàng quyến thuộc
Giữ chánh mạng trong đời
Là phúc lành cao thượng.
6. Āratī-viratī pāpā
Majja-pānā ca saññamo
Appamādo ca dhammesu
Etaṃ mangalam’uttamaṃ.
6. Xả ly tâm niệm ác
Chế ngự không say sưa
Không phóng dật trong pháp
Là phúc lành cao thượng.
7. Gārāvo ca nivāto ca
Santuṭṭhī ca kataññutā
Kālena dhamma-savanaṃ
Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ.
7. Đức cung kính, khiêm nhường
Tri túc và tri ân
Đúng thời nghe chánh pháp
Là phúc lành cao thượng.
8. Khantī ca sovacassatā
Samaṇānañca dassanaṃ
Kālena dhamma-sākacchā
Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ
8. Nhẫn nhục, lời nhu hòa
Yết kiến bậc sa môn
Tùy thời đàm luận Pháp
Là phúc lành cao thượng.
9. Tapo ca brahma-cariyā ca
Ariya-saccāni dassanaṃ
Nibbāna-sacchikiriyā ca
Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ
9. Tự chủ, sống Phạm hạnh
Thấy được lý Thánh đế
Giác ngộ Đại Niết Bàn
Là phúc lành cao thượng.
10. Phuṭṭhassa loka-dhammehi
Cittaṃ yassa na kampati
Asokaṃ, virayaṃ, khemaṃ
Etaṃ maṅgalam’utamaṃ
10. Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là phúc lành cao thượng
Etādisāni katvāna
Sabbattham’aparājitā
Sabbattha-sotthiṃ gacchanti taṃ
Tesaṃ maṅgalam’uttaman’ti.
Những sở hành như vậy
Không chỗ nào thối thất
Khắp nơi được an toàn
Là phúc lành cao thượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét