Là một người con xứ Huế, theo gia đình vào đất Sài Gòn để mưu sinh, Thạc sỹ Nguyễn Thanh Tùng luôn dạt dào tình yêu quê hương da diết. Chính tình yêu đó đã thôi thúc anh tạo dựng công trình “Huế thu nhỏ” tại khuôn viên gia đình ở P. Long Bình ( Q.9, TP. HCM).
Đặt Huế vào vườn
Để đến được “Huế thu nhỏ”, cách trung tâm TP. HCM hơn 20 km, khách phải chạy dọc theo đường Thủ Đức, tới phường Long Bình, đi thêm một đoạn sẽ gặp một ngôi nhà có vườn rất rộng. Và đó chính là nơi tọa lạc của mô hình “Huế thu nhỏ”. Không tốn một chi phí nào, mọi người khách đều được mời vào tham quan, chiêm ngưỡng công trình. Chỉ cần đi qua cánh cổng được trạm khắc tinh tế với mái vòm cong cong có dòng chữ “Ngự Lãm Viên” là đã đến được Huế. Trong khu vườn rộng hơn 1.000m2 là một quần thể kiến trúc Huế độc đáo được tái hiện với kích thước thu nhỏ. Sự yên bình, tĩnh lặng, nhẹ nhàng của dòng sông Hương hòa quyện cùng nét cổ kính của kinh thành tạo ra một ấn tượng mạnh đối với khách. Trên mặt thành, có nhiều pháo đài với nhiều khẩu thần công oai vệ. Kinh thành liên lạc với bên ngoài qua 8 cửa theo 8 hướng: chính Đông, chính Tây, chính Nam, chính Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam. Cũng như thực, kinh thành Huếthu nhỏ quay mặt về hướng Nam, dùng núi Ngự Bình làm tiền án và dùng 2 hòn đảo nhỏ trên sông Hương (cồn Hến - cồn Dã Viên) làm “rồng chầu - hổ phục” (tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ). Trước mặt là dòng sông Hương chảy vắt ngang. Ở trong lòng kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành gọi chung là Đại nội được tái hiện nguyên mẫu thực các công trình kiến trúc, như: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu (nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn); cung Diên Thọ và cung Trường Sanh (nơi ở của Hoàng thái hậu và Thái hoàng thái hậu); phủ Nội vụ (kho tàng trữ binh khí, nơi ở ngự lâm quân, xưởng chế tạo đồ dùng hoàng gia...), vườn Cơ Hạ; Duyệt Thị Đường; Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu...
Không chỉ có kinh thành Huế, ở phía xa xa, những công trình kiến trúc cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, đình Thương Bạc, Phú Văn Lâu... cũng được tái hiện tinh tế. Đặc biệt, khách có thể chìm đắm trong không gian tĩnh lặng, thư thái qua mô hình lăng vua Minh Mạng, Gia Long, Khải Định… Mỗi lăng đều có nét đặc trưng rất riêng về tính cách, cuộc đời của mỗi vị vua và tất cả đã được thể hiện rõ qua “Huế thu nhỏ”. Tuy được tái tạo dưới bàn tay con người với tỷlệ rất nhỏ, nhưng hệ thống thành quách ở Ngự Lãm Viên vẫn giữ nguyên cái mẫu mực của sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây như kinh thành Huế vẫn có. Bên cạnh mô hình Kinh thành Huế là một căn nhà rường, bên trong trưng bày những bộ bàn ghế đậm chất Huế với những nét chạm trổ cầu kỳ mà sắc sảo, điêu luyện. Đây là điểm để khách dừng chân, nghỉ ngơi, thưởng trà sau khi chiêm ngưỡng cảnh trí Huế thu nhỏ.
Anh Nguyễn Thanh Tùng với công trình kiến trúc nghệ thuật tâm đắc của mình.
Giới thiệu Huế đến mọi người
Đểtạo dựng Ngự Lãm Viên, Thạc sỹ Thanh Tùng, không chỉ bỏ tiền bạc, công sức nghiên cứu, tìm hiểu mà còn bỏ cả trái tim, tấm lòng của mình. Trải qua tuổi ấu thơ bên dòng sông Hương trước khi theo gia đình vào Nam, anh đã thấm sâu cái chất Huế trong người. Sau khoảng thời gian dài sống nơi đất khách, có cuộc sống dễ dàng hơn, anh tự nhủ lòng sao không làm một điều gì đó cho Huế của mình? Và ý tưởng về “Huế thu nhỏ” nung nấu trong anh. Với tình yêu Huế dạt dào, anh tâm sự: “ Huế là một phần trong lòng ba mạtôi, trong gia đình và bản thân tôi. Tôi muốn một phần nào có thể giúp Ba Mạ được nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương cũng như vui lòng hơn khi thấy con cháu trong gia đình vẫn còn nhớ đến quê hương, ông bà tổ tiên và vẫn giữ được gốc gác cội nguồn của mình”.
Với suy nghĩ đó, anh lao vào nghiên cứu, thiết kế mô hình và cùng người cậu làm nghề mộc để tìm thợ, chọn gỗ. Ngoài ý nghĩ thắt chặt tình cảm gia đình, công trình này còn lưu lại những sản phẩm của nghề mộc độc đáo xứ Huế đang ngày một hiếm đi trong thời kinh tế thị trường. Với khoảng 18 người thợ làm mô hình tại Huế trước, sau đó vận chuyển vào Nam và thực hiện tại khu vườn với 12 - 16 người thợ gắn bó ròng rã trong suốt nhiều năm. Để xây nhà rường, phải là loại gỗ Gõ đỏ, kiền kiền trồng ở rừng Nam Đông Huế là hai loại chính. Có thợ, có vật liệu, nhưng cũng mất 5 năm (từ 2002 –2007), “Ngự lãm viên” mới hoàn thành và đến nay đã đón tiếp hàng chục ngàn du khách đến tham quan.Khiđược hỏi, có ý định kinh doanh du lịch không thì anh bộc bạch: “Hiện tại thì chưa, vì tôi muốn giới thiệu văn hóa Huế với mọi người. Sau này có điều kiện tôi sẽ giới thiệu thêm về văn hóa nghệ thuật Huế như: ca Huế, nhã nhạc… và các món ăn Huế đặc sắc để tạo sự phong phú”. Khách đến “Huế thu nhỏ” không chỉ là những người Sài Gòn gốc Huế nhớ quê hương mà còn có khách quốc tế. Họ đến vì tò mò và còn vì để xem tấm lòng của một người con xa xứ Huế luôn nhớ về quê mình.
Sương Mai
Cổng Ngự Lãm viên làm bằng gỗ quý hiếm mang đậm bản sắc văn hóa Huế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét