14 thg 12, 2012

ÍT MUỐN AN VUI

http://www.howcanusay.com/engblog/wp-content/uploads/2008/11/psychesdream.jpg

Giữa đời lơi nhặt kiếp đa mang

Thế mãi đua chen lắm luận bàn
Biết được quay về chân thiện mỹ
Là ngày rực sáng thoát lầm than.

Con người ta sở dĩ đau khổ là vì lòng tham muốn quá nhiều, chưa có thì muốn cho có, có rồi thì muốn nhiều hơn và tốt hơn. Thế là người ta trở thành nô lệ cho vật chất hồi nào không hay. Nếu có ai khuyên đừng có ham muốn nữa thì cãi cự rằng cả thế gian đều như vậy, không theo kịp trào lưu tiến bộ thì có mà tụt hậu, người ta cười cho. Ở đời không phải lúc nào cũng êm chèo mát máy, không phải lúc nào muốn là được, lắm khi phải trả một cái giá khá dắt cho sự ham muốn của mình. Ngay cả người giàu có, có tiền mua tiên cũng được, cũng phải lãnh những đắng cay ê chề của sự ham muốn, vì ham muốn đẩy con người ta trượt dốc xuống hố thẳm đau khổ về thể xác cũng như tinh thần.
Kinh Potaliya thuộc Trung bộ kinh kể rằng: Đức Phật ở tại Anguttarapa, sau khi vào thị trấn Apana khất thực, Ngài đến một khu rừng để nghỉ trưa. Gia chủ Potaliya, toàn thân mặc đồ đầy đủ, mang dù đi dép, vào rừng để gặp đức Phật. Sau khi nói lên những lời hỏi thăm, Potaliya được đức Phật mời ngồi ba lần nhưng cả ba lần Potaliya phẫn nộ, không hoan hỷ và đứng im, vì đức Phật gọi ông ta bằng danh từ gia chủ.
Potaliya cho rằng tất cả tài sản, ngũ cốc, vàng bạc của ông đều giao cho các con ông thừa hưởng, và ông sống cuộc sống tối thiểu về ăn mặc, coi như là đã từ bỏ và đoạn tận những sự nghiệp thế tục.
Theo sự yêu cầu của Potaliya, đức phật đã giải thích thế nào là sự đoạn tận các tục sự trong giới luật của bậc Thánh. Đó là tám pháp sau đây: 1. từ bỏ sát sinh, 2. từ bỏ lấy của không cho, 3. từ bỏ nói dối, 4. từ bỏ nói hai lưỡi, 5. từ bỏ tham dục, 6. từ bỏ hủy báng sân hận, 7. từ bỏ phẫn não, 8 từ bỏ ngã mạn cống cao.
Đức Phật còn dạy thêm về các thí dụ về sự ham muốn.
Ham muốn như khúc xương: Có một con chó đói lả, suy nhược lê lết đến được một lò mổ bò. Người giết bò quăng cho con chó một khúc xương đã khéo lóc, không có thịt, chỉ dính máu. Với khúc xương như vậy, con chó chỉ có mệt nhọc khốn khổ mà thôi.
Ham muốn như miếng thịt: Có một con chim kên kên giành được miếng thịt liền bay bỗng lên, các con chim khác bay đuổi theo sát giành giựt xé nát miếng thịt ấy. Con chim kên kên có thể chết hay khổ gần chết nếu không vứt bỏ miếng thịt ấy.
Ham muốn như người cầm bó đuốc cỏ đang cháy rực nhưng đi ngược gió. Lửa có thể đốt cháy cánh tay hay một phần thân thể của người cầm đuốc. Người đó có thể chết hay khổ gần chết nếu không vứt bỏ ngay bó đuốc.
Ham muốn như một hố than hừng, sâu hơn thân người, cháy không thành ngọn: Một người muốn sống nhưng bị hai người lực sĩ nắm chặc hai cánh tay và lôi người đó đến hố than hùng. Người ấy biết mình sẽ chết hay đau khổ gần chết nên co rúm thân, vật qua vật lại phía này phía kia.
Ham muốn như một cơn mộng: Có người nằm mộng thấy vườn, rừng núi, đất đai, ao hồ khả ái. Khi tỉnh dậy người ấy không thấy gì cả.
Ham muốn như tài vật vay mượn: Có người mượn xe cộ, các đồ châu báu, trang sức đẹp đẽ, xứng đáng bậc sang trọng rồi đi vào phố chợ. Người ấy được đi trước, nhiều người vây quanh, được trầm trồ khen là giàu sang. Bỗng bị người sở hữu chủ đến lấy những vật sở hữu của mình, vì vậy sự dối trá của người kia chấm hết.
Ham muốn như cây có trái: Có một khóm rừng gần thôn xóm, ở đó có một cây đầy những trái chín, nhưng không có trái nào rơi xuống. Một người ước mong trái cây vào rừng gặp cây ấy liền leo lên cây ăn cho thỏa thích, rồi hái trái cho đầy bọc áo. Một người khác tay mang búa sắc bén đi tìm trái cây cũng đi sâu vào khu rừng đó, gặp cây ấy nhưng vì không biết leo nên lấy búa chặt cây ấy tận gốc. Người thứ nhất nếu không leo xuống thật mau thì khi cây rơi đổ sẽ làm người ấy gãy chân, gãy tay hay gãy một thân phần nào, có thể bị chết hay đau khổ gần chết.
Có mong muốn thì mới có tiến bộ. Đó là những mong muốn lương thiện, mang lại lợi ích cho bản thân và tha nhân, cho cộng đồng và xã hội. Ham muốn thì khác. Đó là động lực thúc đẩy tìm cầu nay chỗ này mai chỗ khác, người này người khác, theo đuổi danh lợi, tranh giành nhân ngã. Đó là những thèm muốn đam mê, khát khao tìm lạc thú giác quan, mong muốn hiện hữu và trở thành cái tôi ích kỷ. Chính sự khát khao, ham muốn, thèm thuồng dưới nhiều hình thức đã phát sinh mọi hình thái khổ đau.
Như người điều chỉnh dây đàn, dây đàn giùn quá thì tiếng khản đục, dây đàn căng qua thì tiếng the thé. Đời sống cũng vậy, không ai tránh được sự ham muốn, nhưng người ít ham muốn thì hạnh phúc hơn người nhiều ham muốn. Cố nhiên người không ham muốn thì thảnh thơi nhất, như lời thơ của vua Trần Nhân Tông qua bài Cư trần lạc đạo:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Dịch là: Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo. Đói thì ăn, mệt thì ngủ. Trong nhà sẵn có của báu, đừng tìm cầu đâu khác. Đối cảnh mà vô tâm thì chẳng cần phải hỏi "thiền là gì?" nữa.

Ít ham muốn thì sống an vui: đói thì ăn, không cần đòi hỏi cao lương mỹ vị, mệt thì ngủ, không cần thao thức toan tính bôn ba. Bản chất của ham muốn thì vừa là khổ đau, vừa là nguyên nhân của mọi khổ đau. Ngồi suy nghiệm đời sống quanh ta thì biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét