14 thg 12, 2012

BỖNG CHỢT TỪ BI BẤT NGỜ

http://lh6.ggpht.com/lienminhphatphap/SBKkPn3RsBI/AAAAAAAAAIY/3djeDVOuGQg/s800/hoasenvang.jpg

Chuyện kể rằng, vào thời Phật, năm trăm thầy tỳ kheo được đức Phật chỉ dạy cho đề mục chỉ quán, cùng nhau vào khu rừng xa thành Xá Vệ. Khu rừng đó rất u nhã, thích hợp cho việc hành thiền. Bấy giờ các vị thần linh trên cây nghĩ rằng có các tu sĩ đến trú ở, tưởng là chỉ ở vài ba hôm, nên đưa quyến thuộc của mình xuống đất ở như là tỏ lòng cung kính. Không dè các thầy lưu lại hơn hai tuần rồi mà vẫn chưa dời gót. Điều đó thật là bất tiện cho sự sinh hoạt của quyến thuộc của ho. Các thần linh bèn nghĩ cách quấy rối, hù nhát các thầy bằng cách phát ra tiếng ma qủi, hiện hình ma quái dễ sợ. Quả nhiên các thầy hoảng sợ, trở về thỉnh giáo với Phật. Ngài dạy hãy đọc tụng bài kinh nói về tâm Từ (Metta Sutta), trải rộng tâm ấy đến các sinh linh nơi cánh rừng. Sau khi học thuộc bài kinh, các thầy trở lại khu rừng, chân thành đọc tụng Từ kinh cùng bủa lòng từ bi ra khắp tất cả. Các thần linh được tâm Từ tác động, trở nên dễ thương, biến thành thiện thần, hộ trì cho các thầy tu tập suốt mùa an cư tại khu rừng đó. Các thầy tinh tấn hành thiền, chỉ quán thực tướng vô thường của bản thân, tuệ giác tăng trưởng. Bấy giờ, đức Phật ngự ở Kỳ Viên Tự, quán chiếu sự tu tập của các thầy có kết quả, ngài phóng hào quang đến khu rừng, khiến cho các thầy thấy ngài. Đức Phật tán thán, ấn chứng bằng bài kệ sau:

Ý thức cái thân như đồ gốm

Giữ vững cái tâm như thành trì

Chống ma ái dục bằng gươm trí

Giữ thắng quán ấy, không tham mới.

(Kinh Pháp Cú – kệ số 40)

Từ kinh, được gọi là Từ bi kinh, là một bài kinh văn hệ Pali, nằm trong Kinh tập (Sutta Nippatia), kinh thứ 5 trong 15 kinh của Tiểu bộ kinh (Khuddaka Nikaya). Kinh tập gồm có 71 kinh, chia làm 5 phẩm: Rắn (Uraga Vagga), Ngắn (Culla Vagga), Dài (Maha Vagga), Tám chỉnh cú (Atthaka Vagga), Con Đường Đến Bờ Kia (Parayana Vagga). Từ kinh là kinh số 8 trong phẩm Rắn. Kinh này được phổ biến rộng rãi ở các nước theo truyền thống Thượng tọa bộ, được Tăng ni tụng niệm hằng ngày.

Từ kinh:

"Người khéo léo hướng tới an lạc, tịch tịnh và giải thoát, cần thể hiện những đức tính như: có khả năng chuyển hóa, chân chất, ngay thẳng, ái ngữ, nhu hòa, không kiêu ngạo, biết đủ nên sống an bần, ít rộn ràng nên sống giản đơn, thận trọng chế ngự các giác quan, biết hổ thẹn, không dua nịnh để được lòng người. Người ấy kềm chế mọi cử động không cho phạm lỗi nhỏ để bậc trí có thể khiển trách.
Người ấy luôn nghĩ tưởng về chúng sanh, mong tất cả chúng sanh được hạnh phúc trong đời sống và an lạc nơi tâm tư. Tất cả chúng sanh, không luận là loài yếu hay loài mạnh, loài thân dài lớn, loài thân trung bình hay loài thân ngắn nhỏ, loài nhỏ nhít hay loài kềnh càng, loài có thể thấy hay loài không thể thấy, loài ở xa hay loài ở gần, loài đã sanh hay loài sắp thọ sanh: nguyện tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc và an lạc.
Nguyện cho mọi loài đừng lừa dối nhau và đừng coi thường nhau, dù với ai và dù ở nơi đâu; đừng vì giận dữ hay hận thù mà mong cho ai phải chịu khốn khổ.
Như một bà mẹ sẵn sàng bỏ tánh mạng của mình để bảo vệ đứa con một, đối với tất cả chúng sanh, hãy nuôi dưỡng cái tâm vô lượng. Hãy trải lòng từ ra khắp pháp giới, hãy phát triển cái tâm vô lượng: phương trên, phương dưới, bốn phương, không có chướng ngại, không ôm ấp giận dữ hay hận thù. Không luận là khi đi, đứng, ngồi, nằm, lúc nào cũng sống tỉnh thức, hãy nỗ lực thực tập từ niệm, đó là nếp sống Phạn hạnh cao đẹp. Từ bỏ kiến thủ, giữ gìn tịnh giới, thực tập trí tuệ, nhiếp phục tham dục, người ấy không còn tái sanh vào bào thai nữa."

Từ bi là phẩm tính mà ai cũng sẵn có. Đôi khi bạn cũng bỗng chợt từ bi bất ngờ. Từ bi là suối nguồn yêu thương, là tình thương vô điều kiện, không có giới hạn. Nói như vậy thì quá khó với bạn và cho tôi. Thôi thì phải thực tập dần dần. Trước là yêu bản thân là đừng làm cho mình hư hỏng, sau là yêu gia đình cha mẹ, vợ con, là làm người tốt, sau nữa là yêu chòm xóm, cộng đồng xã hội, là làm người hữu ích, rồi sau nữa là yêu đất nước, nhân loại, là làm sứ giả hòa bình, sau nữa .... thì để kiếp sau hẳn nói

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét