18 thg 12, 2012

ĐỜI NÀO CŨNG VUI

http://i42.photobucket.com/albums/e307/TueCuong1/The%20Dhammapada%20Sutta/DS016.jpg


Dhammika là một Phật tử rất đức hạnh, hết sức hoan hỷ san sẻ của cải. Ngày thường hay ngày lễ, ông đi hiến cúng chư Tăng. Ông như là thủ lãnh của Phật tử thành Xá Vệ. Ông có nhiều con, và các con của ông đều đức hạnh như ông cả. Về già, lúc sắp mất, ông thỉnh cầu chư Tăng đến bên gường tụng cho nghe bài kinh thần diệu "Đại niệm xứ". Khi các ngài đang tụng, ông thấy sáu cỗ xe ngựa lộng lẫy đến đón. Ông bảo đợi một lát để nghe hết bài kinh. Nghe xong, chư Tăng ra về, ông bảo các con có sáu cỗ xe đến đón, ông quyết định chọn cỗ xe của Đâu suất thiên. Ông đi trong niềm hoan lạc vô biên.

Đời này vui mừng, đời sau vui mừng. Đời nào người làm lành cũng vui mừng. Người ấy vui mừng vì thấy cái tốt của điều lành mình đã làm.
(Pháp Cú số 16)

Chú thích:
Kinh Ðại Niệm Xứ là một kinh vô cùng quan trọng đối với những người hành Thiền Minh Sát bởi vì tất cả những lời chỉ dẫn trực tiếp hay gián tiếp về thiền tập của Ðức Phật đều được ghi lại một cách súc tích trong kinh này. Đại niệm xứ là Bài pháp lớn để thiết lập chánh niệm.

Kinh văn:

Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ở tại xứ Kuru. Xứ này có một thị trấn tên là Kamma-sadamma. Tại đó, Ðức Phật đã dạy các thầy tỳ khưu như vầy: "Này các thầy tỳ khưu". Và các thầy tỳ khưu thưa: "Xin vâng, Bạch thế Tôn". Và Ðức Thế Tôn đã nói như sau:
Ðây là con đường duy nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Ðạo và Giác ngộ Niết Bàn. Ðó là Tứ Niệm Xứ.
Bốn cách quán sát hay bốn Niệm Xứ đó là gì ?
Này các thầy Tỳ khưu, ở đây, (trong lời dạy này), Tỳ khưu quán sát thân trong thân, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại bỏ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời. Thầy tỳ khưu quán sát thọ trong thọ, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời. Thầy tỳ khưu quán sát tâm trong tâm, tinh cần tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời. Thầy tỳ khưu quán sát pháp trong pháp, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời. (......)

Đâu suất thiên là tầng trời thứ 4 trong 6 tầng trời ở cõi Dục (ở giữa trời Dạ ma thứ 3 và trời Hóa lạc thứ 5). Chư thiên ở cõi trời này luôn sống trong hỷ lạc, vật chất sung mãn, tinh tấn tu tập Bát chánh đạo nên gọi là Hỷ lạc thiên. Các Bồ tát giáo hóa ở cõi này thường tu tập hỷ (một trong bốn tâm vô lượng) nên còn gọi là Hỷ túc thiên. Chư thiên ở Đâu suất thân cao 4 do tuần, tuổi thọ trung bình 4.000 tuổi. Các vị thiên ở cõi trời này khi khởi dục chỉ cần nắm tay nhau liền được thọ dụng như ý. Cõi trời này có hai viện, Đâu suất ngoại viện và Đâu suất nội viện. Đâu suất ngoại viện là nơi cư trú của chư thiên hưởng thọ nhiều dục lạc, rất ít khi được nghe thuyết pháp. Đâu suất nội viện là trụ xứ của Bồ tát Di Lặc, còn gọi là Tịnh độ Đâu suất. Bồ tát Di Lặc hiện đang giáo hóa các Bồ tát ở đây, đương lai sẽ hạ sanh thành Phật. Phật Thích Ca, trước khi giáng xuống cõi Ta bà cũng ở Đâu suất nội viện này. Vãng sanh Tịnh độ Đâu suất (nội viện), được Bồ tát Di Lặc giáo hóa là một trong những mục tiêu quan trọng của Phật giáo đồ, thịnh hành và phổ biến ở Ấn Độ và Trung Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét