18 thg 12, 2012

Nhân đọc bài " TÌM HIỂU VÌ ĐÂU CHÚ ĐẠI BI IN THIẾU "

http://tuvienhuequang.com/images/stories/demo/Bo-tat/dabeizhou.jpg

Viết về chú Đại Bi, Huyền Thanh, tác giả biên dịch Thiên Thủ Thiên Nhãn Thanh Cảnh Quán Thế Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh, có ghi như sau:
“Theo sự khảo cứu của chúng tôi thì bài Chú Đại Bi thường dùng chính là Tâm Chú của Đức Thanh Cảnh Quán Tự Tại Bồ Tát (Nìlakanïtïha Avalokite’svara Bodhisatva) và được lưu truyền dưới 2 dạng là bản dài với bản ngắn
1) Bản dài (Quảng Bản) được ghi nhận qua các bài : Thanh Cảnh Quán Tự Tại Bồ Tát Đà La Ni (Ngài Bất Không dịch) Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Nễ La Kiến Tha Đà La Ni (Ngài Kim Cương Trí dịch) Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni (Ngài Chỉ Không dịch) Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Chú (Ngài Kim Cương Trí dịch)
2) Bản ngắn (Lược Bản) được ghi nhận qua các bài : Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Tự Tại Vương Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Tự Tại Thanh Cảnh Đại Bi Tâm Đà La Ni (Ngài Bất Không dịch) Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Đại Bi Tâm Đà La Ni (Ngài Bất Không dịch) Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni (Ngài Già Phạm Đạt Ma dịch)
Do các bản Chú Văn có nhiều loại phiên dịch nên chương cú cũng dựa theo các Kinh Văn mà có sự khác biệt kể cả số lượng câu và Phạn Ngữ.”
Dựa vào đây, tôi tìm xem các bản dài của chú Đại Bi ở trong đại tạng thì thấy:
Kinh số 1111: Thanh Cảnh Quán Tự Tại Bồ Tát Đà La Ni (Bất Không dịch), chú Đại Bi có 94 câu, phiên âm khác hoàn toàn với bản chú Đại Bi thường trì tụng.
Kinh số 1113A: Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni (Chỉ Không dịch), chú Đại Bi có 91 câu, phiên âm khác hoàn toàn với bản chú Đại Bi thường trì tụng.
Kinh số 1060: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh (Già Phạm Đạt Ma dịch), chú Đại Bi có 84 câu, có đủ 5 chữ “Na ma bà tát đa” ở câu 16, là bản mà Hòa thượng Thích Thiền Tâm dịch ra Việt văn.
Kinh số 1061: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Chú (Kim Cương Trí dịch), chú Đại Bi có 113 câu, phiên âm khác hoàn toàn với bản chú Đại Bi thường trì tụng.
Kinh số 1064: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Đại Bi Tâm Đà La Ni (Bất Không dịch), chú Đại Bi có 84 câu, là bản mà Phật tử Việt Nam thường trì tụng, không có 5 chữ “Na ma bà tát đa” ở câu 16. Bản này Huyền Thanh có dịch.
(http://quangduc.com/kinhdien/294thienthuthiennhan.html)
Kết luận: Chú Đại Bi mà Phật tử Việt Nam thường tụng thiếu 5 chữ “Na ma bà tát đa” là không phải lỗi in thiếu, mà bài chú đó nằm trong kinh số 1064 của Đại Tạng Kinh, tức Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Đại Bi Tâm Đà La Ni do ngài Bất Không dịch. Các bản dịch Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni (do Hòa Thượng Thích Thiền Tâm dịch, Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng, Ưu Bà Tắc Nguyên Thuận dịch) mà tác giả Phúc Trung trưng dẫn trong bài Tìm Hiểu Do Đâu Chú Đại Bi In Thiếu, đều là bản kinh số 1060, do ngài Già Phạm Đạt Ma dịch. Như vậy, có sự sai khác trong nguyên bản được dịch chứ không phải chú Đại Bi bị in thiếu. Hơn nữa, trong Thủy Lục Chư Khoa (bản in năm 1840), khoa nghi sử dụng trong Thủy lục trai đàn, có in bài chú Đại Bi (trong Khai Phương Khoa), tra xét thì thấy bài chú Đại Bi không có 5 chữ “Na ma bà tát đa”, nghĩa là chư tôn túc khi xưa chuộng sử dụng bản của ngài Bất Không dịch, không phải “tam sao thất bổn”.
12/2/2011
Quảng Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét