18 thg 12, 2012

MỘT CHỮ NHẨN

http://files.myopera.com/lephuocbkdn/blog/1.Chu%20Nhan.jpg


Nhẫn, nhẫn, nhẫn
Trái chủ oan gia vui lòng thuận
Nhịn, nhịn, nhịn
Chồng nhịn, vợ nhịn, ngàn tai vạn chuyện cũng đều tiêu.

(T.T Thích Minh Phát)

http://files.myopera.com/lephuocbkdn/blog/B1BA54D55E0E4F5B8F0128DE4E2563AF.jpg



Bồ tát vì muốn điều phục chúng sanh khiến lìa khổ não mà tu nhẫn nhục. Người tu hạnh nhẫn nhục thì tâm thường khiêm hạ, đối với tất cả chúng sanh cang cường, kiêu mạn thì tha thứ mà không chấp trách, thấy kẻ nguy ác thì luôn khởi lòng thương xót. Lời nói thường nhu nhuyến, khuyến hoá người tu thiện, phân biệt giải nói về quả báo sai khác của sự sân hận và sự hoà nhẫn. Đây gọi là hàng bồ tát sơ phát tâm tu hạnh nhẫn nhục.

Do tu nhẫn nhục mà xa lìa các điều ác, thân tâm an lạc, gọi là tự lợi. Hướng dẫn chúng sanh biết sống hoà thuận với nhau, gọi là lợi tha. Tu tập (nhẫn nhục) hằng ngày đưa đến thành tựu vô thượng nhẫn nhục, giáo hoá chúng sanh đồng được lợi ích như mình, gọi là cả hai đều lợi ích.

Chánh nhân tu nhẫn nhục thì thành tựu được (quả báo thân tâm) đoan chánh, người thấy sanh lòng cung kính, cho đến khi thành Phật có tướng hảo thượng diệu, gọi là trang nghiêm đạo bồ đề.

Nhẫn nhục có 3 hình thái: 1. Thân nhẫn, 2. Khẩu nhẫn, 3. Ý nhẫn.
1. Thế nào là thân nhẫn? Nếu có người sanh lòng ác đến bức bách, huỷ nhục, đánh đập thậm chí làm thương hại ta mà vẫn có thể nhẫn chịu tất cả. Thấy các chúng sanh bị ức hiếp, sợ hãi thì sẵn sàng lấy thân chịu thay (khổ não) cho họ mà tâm không mỏi mệt, trì hoãn. Đây gọi là thân nhẫn.
2. Thế nào là khẩu nhẫn? Nếu có người đến mắng chửi ta thì nín lặng nhẫn chịu, không lòng chống trả. Nếu có người phi lý đến trách mắng, ta cần dùng lời ôn hoà mà thuận theo. Nếu có người vu khống ngang ngược, huỷ báng thậm tệ, ta đều phải nhẫn chịu. Đây gọi là khẩu nhẫn.
3. Thế nào là ý nhẫn? Nếu có người sân si với ta, không ôm lòng hờn giận. Nếu có người xúc não ta, tâm vẫn không dao động. Nếu có người công kích, huỷ nhục ta, lòng không oán trách. Đây gọi là ý nhẫn.

Ở thế gian, sự đánh đập có 2 trường hợp: 1. Sự thật. 2. Ngang ngược.
1. Nếu mình có lầm lỗi, bị người hiềm nghi, bị người đánh đập, ta phải nhẫn chịu như uống nước cam lộ. Đối với người đó còn phải sanh lòng cung kính, sở dĩ người đó làm như vậy là vì khéo răn dạy, điều phục ta, khiến ta từ bỏ các lầm lỗi vậy.
2. Nếu có kẻ ngang ngược với ác tâm làm thương tổn ta, thì phải tự suy nghĩ, ta nay không tội, đây chính là túc nghiệp đời quá khứ chiêu cảm cho nên phải nhẫn chịu. Lại phải suy nghĩ, thân này do tứ đại giả hợp, ngũ ấm duyên hội, thì ai là người chịu đánh? Lại quán suy người trước mặt đánh ta là người si, người cuồng, ta phải thương xót họ, sao lại không nhẫn?

Lại nữa, người nhục mạ cũng có 2 hạng: 1. Sự thật, 2. Hư dối.
1. Nếu người nói lên sự thật, ta phải sanh lòng hổ thẹn.
2. Nếu người nói lời hư dối, việc đó vô can với ta, thì coi như tiếng vang, gió thoảng, không làm tổn hại ta được, nhưng vẫn phải nhẫn.

Lại nữa, đối với người sân hận cũng vậy. Người kia trút tất cả giận dữ lên ta, ta phải nhẫn chịu. Nếu ta giận dữ lại với người kia thì ở đời vị lai phải đoạ ác đạo, chịu đại khổ não. Do nhân duyên như vậy, thân ta dù bị cắt xẻo phân ly cũng không khởi lòng sân hận, (trái lại) cần phải quán sát sâu xa nhân duyên nghiệp đời trước, phải tu tập lòng từ bi, thương xót tất cả. Việc khổ nhỏ như vậy mà ta không có khả năng nhẫn, tức là không có khả năng tự điều phục tâm, thì làm sao có khả năng điều phục chúng sanh, khiến chúng sanh được giải thoát tất cả ác pháp, thành tựu quả Vô thượng.

Nếu có người trí, ưa tu nhẫn nhục thì người đó được dung mạo đoan chánh, tài bảo sung túc, người khác thấy sanh lòng hoan hỷ, cung kính, ngưỡng mộ, phục tùng. Lại phải quán sát, nếu có người hình dáng hung dữ, nhan sắc xấu ác, các căn không đủ, tài vật túng thiếu, phải biết đó là do nhân duyên sân hận trước kia mà nay phải như vậy. Vì hiểu biết nhân duyên như vậy mà bậc trí quyết tu tập nhẫn nhục một cách thâm sâu.


(Trích Phát Bồ đề tâm luận - Phẩm 6: Nhẫn nhục ba la mật - Bồ tát Thế Thân - Việt dịch: Quảng Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét