18 thg 12, 2012

CẦU SINH TỊNH ĐỘ LÀ THẾ NÀO ?

http://img401.imageshack.us/img401/8238/canhgioitayphuongcuclac.jpg


Tu hành cõi này thì sự tiến đạo rất khó, vãng sinh cõi kia thì sự thành Phật cũng dễ. Dễ nên một đời đã có thể thấu đáo, khó nên lắm kiếp vẫn chưa chắc hòan thành. Do đó mà Thánh ngày xưa, Hiền ngày trước, ai cũng khuynh hướng; Kinh cả ngàn, Luận cả vạn, đâu cũng chỉ qui. Quả thật sự tu hành trong thời kỳ mạt pháp này, không có cách nào hơn pháp ấy. Có điều Kinh Luận đã nói, điều lành mà tính chất nhỏ thì không thể vãng sanh, cái phước mang tính chất lớn mới chắc chắn đến được. Cái phước mang tính chất lớn thì không chi bằng sự chấp trì danh hiệu, điều lành hàm tính chất to thì không chi bằng sự phát tâm rộng lớn. Nên nhất tâm chấp trì danh hiệu của Phật hơn cả sự bố thí đến trăm năm, nhất niệm phát tâm Bồ đề rộng lớn vượt cả sự tu hành trong nhiều kiếp. Lý do là vì niệm Phật vốn mong làm Phật, vậy tâm lớn không phát thì có niệm cũng không làm gì, phát tâm vốn để tu hành, vậy Tịnh độ không sanh thì có phát cũng dễ thoái chuyển. Nên gieo giống Bồ đề, cày bằng cái cày niệm Phật, thì trái hạt tuệ giác tự nhiên lớn lên; ngồi thuyền đại nguyện, nhập vào bể cả Tịnh độ, thì Tây phương Cực lạc quyết định vãng sanh. Đó là lý do thứ chín của sự phát Bồ đề tâm.

Tính chất lớn là tâm nguyện vừa quảng đại vừa kiên cố. Tính chất này là căn bản to lớn, còn việc làm chỉ là sự biểu hiện của căn bản ấy. Như vậy, bề ngoài việc làm như thế nào chỉ là tùy theo cơ duyên. Đối lại, tính chất nhỏ là bề ngoài của việc làm như thế nào đi nữa, mà căn bản không có tâm nguyện to lớn thì cũng vẫn là nhỏ.
"Chấp trì danh hiệu", nghĩa đen là nắm giữ danh hiệu của Phật. Với nghĩa đen ấy, sự niệm Phật vừa có nghĩa chánh niệm bất thoái vừa huân tập đức tánh của Phật (qua danh hiệu của Ngài): chánh niệm bất thoái và đức tánh của Phật lớn lao bao nhiêu thì sự niệm Phật tính chất cũng lớn lao như thế.
(Trích Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn - Đại sư Thật Hiền - H.T Trí Quang dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét