17 thg 12, 2012

Ý NGHĨA TỰ TỨ

An cư rồi, giải hạ bằng sự tự tứ. Tự tứ (Pravarana) hay tùy ý, có nghĩa tự đưa mình ra để tùy ý Tăng chúng chỉ điểm tội mình phạm mà sám hối. Sự chỉ điểm được căn cứ trên ba trường hợp: do được thấy, được nghe và được nghi. Lễ tự tứ cử hành vào ngày 16 tháng 7, một lần trong một năm sau mùa an cư.

Tự tứ là một hình thức bố tát không đọc giới bổn, nhưng nó khác bố tát ở chỗ nó không thuộc tính cách tự nguyện và tự giác sám hối như bố tát. Trong khi bố tát thuyết giới, Tỳ kheo nào nhớ lại điều mình vi phạm thì bày tỏ sám hối. Tự tứ thì mỗi người, từ vị Thượng tọa lớn nhất cho đến Tỳ kheo nhỏ nhất, phải tự mình yêu cầu Tăng chỉ điểm. Cho nên, phạm vi thuyết tội của tự tứ rộng rãi hơn thuyết giới rất nhiều. Do sự kiện này mà yết ma thuyết giới và yết ma tự tự có khác nhau.

Người xuất gia, sau khi thọ Tỳ kheo giới, năm nào đến mùa an cư cũng phải an cư. Sau mỗi mùa an cư, làm lễ tự tứ rồi được kể là có một tuổi của người xuất gia. Tuổi ấy, sau khi kiết hạ nên gọi là hạ lạp, vì tính từ khi thọ giới Tỳ kheo nên gọi là giới lạp, và vì là tuổi theo Phật pháp, tính theo mùa an cư chứ không tính theo một năm nên còn gọi là pháp lạp. Lạp là tiếng gọi lễ cúng tất niên, có nghĩa cuối năm (nhà Hán gọi cuối năm là lạp). Lạp lại có nghĩa là giao tiếp, giao tiếp giữa năm cũ và năm mới, như vậy, lạp là tiếng để gọi lễ giao thừa. Mà lễ tất niên hay lễ giao thừa của người xuất gia là lễ tự tứ, nên trong kinh luật lấy ngày 16 tháng 7 làm ngày đầu tuổi cho ngũ phần pháp thân của Tỳ kheo. Và chính cái tuổi giới lạp hay hạ lạp ấn định vị thứ trong giới xuất gia, chứ không phải tuổi đời, nên vị thứ ấy gọi là lạp thứ.

Mục đích của việc tự tứ cũng giống như của việc thuyết giới, đó là biểu hiện sự thanh tịnh và hòa hợp của Tăng. Nhưng nó quan trọng hơn sự thuyết giới ở chỗ mở ra một giai đoạn mới trong cuộc sống đạo hạnh của một Tỳ kheo, sau khi chấm dứt thời hạn ba tháng sống chung giữa Tăng, đó là sự tinh tiến du hóa, đó là ý nghĩa "hoằng pháp thị gia vụ, lợi sinh vi sự nghiệp". Trong các bộ A Hàm đều kể lại sự chữa vá pháp y của Phật khi sắp hết an cư, lại kể Ngài chữa vá để chuẩn bị lên đường du hóa, lại kể Ngài lên đường du hóa ngay sau khi tự tứ thọ tuế (nhận tuổi mới).

http://langmai.org/images/stories/hinhanh/SinhHoat/Le_Tu_tu/14.%20Su%20Ong%20va%204%20vi%20tru%20tri%20lam%20le%20Tu%20tu.jpg


Thiện Quang
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét