17 thg 12, 2012

TU THIỀN HAY TU TỊNH

Có những Phật tử còn loay hoay giữa Thiền và Tịnh, còn nhiều phân vân trên lộ trình tu giải thoát, không biết nên tu Thiền hay tu Tịnh.

Thiền hay Tịnh đều không quan trọng, quan trọng là cái THỜI GIAN mình còn tồn tại trên cõi đời này là bao lâu để mình chọn lựa cho mình một lối đi thích hợp nhất với độ tuổi của mình. Tu Thiền cho mình sự minh triết, sự bình an trong từng hơi thở. Tuy nhiên, muốn giải thoát bằng con đường Thiền thì đòi hỏi hành giả phải Kiến Tánh, nếu đời này tu không Kiến Tánh thì hành giả chỉ ''giải thoát từng phần '' (: phần chứng). tức là đoạn được bao nhiều phần vô minh phiền não thì giải thoát bấy nhiêu; cảnh giới của hành giả sau khi thân hoại mạng chung sẽ tương ưng với Tâm Chứng của hành giả trong hiện đời. Nếu chưa đoạn được gì cả thì phải quay trở lại thọ thân sau mà tu tiếp, tu đến khi nào Kiến Tánh, thể nhập Vô Sanh thì mới gọi là ''xong việc'' được. Đây là con đường căn bản nhất, nguyên thủy nhất của Phật giáo, nhưng cũng cam go nhất.

Nếu lượng sức mình không thể nào ''xong việc'' được trong đời này thì nên Niệm Phật cầu Vãng sanh là chắc ăn nhất. Điều kiện để được Vãng sanh thì hành giả không cần phải Kiến Tánh mà chỉ cần có 3 viên ngọc là Tín, Nguyện và Hạnh mà thôi. Về được cõi Di Đà rồi thì không sớm thì muộn cũng ''Hoa khai kiến Phật ngộ Vô sanh'', và một khi ngộ Vô sanh rồi thì cùng với người tu Thiền không khác biệt.
Về cõi Di Đà không cần phải chứng đắc gì cả, hành giả chỉ xin ''đổi cảnh để tu tiếp'' mà thôi. Một khi chưa đạt đạo thì hoàn cảnh rất là quan trọng cho hành giả. Nếu chúng ta biết được có một nơi có rất nhiều thắng duyên , hỗ trợ cho mình tiến tu mà mình không phát nguyện sinh về là mình dại, cái dại đó nó làm cho mình thiệt thòi.

Pháp môn Tịnh độ tương đối là dễ tu, nhưng đặc biệt là rất khó, khó cho những ai không có đủ niềm tin để mở ngõ cho họ bước vào Tịnh độ, chung quy là bởi thiếu "duyên" với đức Di Đà. Nếu kiếp này nghe đến danh hiệu đức Di Đà, nghe đến cõi Cực lạc mà tin, hẳn biết rằng vị đó đã có tu Tịnh độ từ kiếp trước. Sở dĩ vị đó chưa Vãng sanh được là vì niệm Phật mà quên cái phần ''Phát nguyện vãng sanh'' đó thôi. Phát nguyện rất là quan trọng, không phát nguyện thì không vãng sanh được.
Pháp môn của Phật như là thực phẩm, một loại thực phẩm dành cho tâm linh. Chúng ta nên chọn loại nào hợp khẩu vị với mình nhất, chọn rồi mình phải ăn (thực hành) thì mới no được. Vì sự hạn lượng của kiếp người, chúng ta nên chọn những mục tiêu gần, những mục tiêu dễ đạt được mà nhắm đến. Có những cái hay, cái đẹp nhưng nó xa quá tầm tay với thì mình nên biết ''lượng sức'' mình là hay hơn cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét