17 thg 12, 2012

PHÁP NHĨ

http://www.mansfieldzen.com/sitebuildercontent/sitebuilderpictures/zenen2.gif


Chỉ vì chuyên tâm vào sự không nghĩ, lấy sự không nghĩ ấy làm đối tượng, ý thức bị đối tượng này ràng buộc nên không còn vin theo những đối cảnh khác. Kẻ lầm lẫn không biết như vậy nên bảo rằng đó là không còn vin theo các pháp, và sinh ra một cách sâu xa ý tưởng quí báu, cho là chân thật. Do vậy mà thúc dục tâm ý tiếp tục không ngừng. Rồi ngày đêm luyện tập, lâu ngày thuần thục, không còn tác ý, và cứ tự nhiên mà đi tới. Thế nhưng họ không biết sự sinh diệt vẫn thường xuyên liên tục, vẫn thường xuyên nổi lên trong từng sát na, nổi lên mà không biết; vô minh vọng tưởng chưa loại bỏ mảy may; lại không biết bản thân đứng vào vị trí nào; thế mà bảo rằng tâm tôi đứng vào trong sự vắng lặng, sự vắng lặng này là chân như tam muội! Bảo như vậy thì thật không biết phận mình! Tuy vậy, vì chuyên tâm vào một đối tượng nên cũng là một lối tu Chỉ, xa thì làm nền tảng cho cái trí vô trần, gần thì làm xiềng xích cho cái tâm vượn khỉ; so với những kẻ vin theo ngũ dục, giong theo lục căn, thì điều này đã khác và hơn trăm ngàn vạn lần, chỉ không phải là chân như tam muội thể hiện sự đứng lặng mà chiếu soi của tâm thể mà thôi. Thế nên hành giả làm mà đừng chấp, thì đó cũng là pháp môn tu hành dần dần. Nhưng nếu muốn thành tựu tuệ giác xuất thế thì quyết định phải nhờ đến trí vô trần.

(Luận Chỉ Quán - Trí quang dịch)
Tuệ giác xuất thế: Chỉ cho 3 tuệ giác vĩ đại của Phật, đó là Nhất thiết trí (tuệ giác biết bản thể), Đạo chủng trí (tuệ giác biết đạo pháp) và Nhất thiết chủng trí (tuệ giác biết toàn thể).

Trí vô trần: trần là cảnh, là sắc cho đến pháp. Cái trí giác ngộ thực tướng không thật của trần cảnh, gọi là trí vô trần. Trí này là ý thức chuyển danh. Ngay từ lúc bắt đầu giác ngộ bằng đa văn huân tập, bằng như lý tác ý và như thật tầm tư thì đã chính là công phu của ý thức. Trong trạng huống giác ngộ, phản vọng qui chân, ý thức với tuệ tâm sở là chính, phụ vào có các tâm sở biệt cảnh khác và các thiện tâm sở, nó đã thấu hiểu đạo lý duy Tâm theo ngôn từ và quán hạnh, bây giờ nó thấu hiểu theo giác ngộ tương tự (gần như đích thực). Năng lực của nó mỗi giai đoạn càng mãnh liệt, cho đến đến giai đoạn giác ngộ cứu cánh thì nó thành diệu quan sát trí.

Chân như là mặt bất biến của Tâm. Bất biến (phi sinh diệt) thì siêu việt ngữ văn, phân biệt. Do vậy, muốn thích ứng để hội nhập chân như thì không phải đối tượng hóa chân như ra mà phân biệt, mà phải xét và tập bỏ những phân biệt theo các phạm trù nhị biên đối đãi.

Chân như tam muội = chánh định chân như: là sự tu Chỉ đạt đến, ngưng lại nơi chánh niệm, nghĩa là chỉ có tâm chứ không có cảnh, và tâm ấy cũng không.
Ngũ dục nhiều nơi giải thích là: tài, sắc, danh, thực, thụy. Nghĩa là ham muốn của cải, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon và ngủ nghỉ. Trong bản Tiểu Chỉ Quán này được giải thích là ham muốn năm điều: sắc, thanh, hương, vị và xúc của thế gian. Những sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon và những cản giác êm dịu thường phỉnh gạt tất cả phàm phu, khiến lòng say đắm và đưa đến phạm nhiều tội lỗi, nên người tu hành quyết không gần gũi các điều đó. Thế gọi là đối trị ngũ dục. Trong luận Ma ha diễn có nói: "chúng sanh thường bị ngũ dục quấy phá mà vẫn tham cầu không chán, khi cầu đã được điều này, lại muốn điều khác, như lửa thêm củi ngày càng bốc cháy." Người tu hành nên quán sát ngũ dục không có gì vui, như chó gặm xương khô, ngũ dục thêm sự tranh giành như quạ giành thịt thúi, ngũ dục đốt người như lửa, hại người như rắn độc, ngũ dục không thật, như cảnh chiêm bao, ngũ dục không lâu, như tia sáng đá lửa. Người có trí suy xét thì thấy ngũ dục là giặc, là thù; những kẻ ngu muội lại tham đắm ngũ dục đến chết không thôi. Làm tôi tớ cho ngũ dục, về sau phải chịu khổ não khôn lường. Xét như thế, người thực hành Chỉ Quán cương quyết đối trị và xa rời ngũ dục. (Đồng mông chỉ quán)
Khi lục căn tiếp xúc với lục trần, tức là khi: Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân đụng chạm và ý suy nghĩ; thì tâm ta đã phản ứng với những cảm xúc, thường gọi là phản ứng tâm lý như: giận hờn, thương mến, ghét bỏ. Tất cả những cảm xúc đó sẽ dẫn chúng sanh đến cảnh giới thích ứng. Bởi vậy, thu thúc lục căn là một trong "tứ thanh tịnh giới" mà vị tỳ kheo phải vâng giữ. Thu thúc ở đây không có nghĩa là nhắm mắt, bịt tai, ngồi một chỗ không tiếp xúc với ai, nhưng đừng để ngoại cảnh chi phối mình, đừng quá quyến luyến và say mê lục trần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét