17 thg 12, 2012

LÀM CHỦ CẢM XÚC CỦA BẠN

http://sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc1/hs259.snc1/10626_133171518413_133159453413_2513810_1454418_n.jpg


Trong cuộc sống giữa đời thường, với bao nhiêu là bận bịu,ưu tư, lo toan mà bạn cần phải giải quyết, phải phấn đấu để vượt qua. Đôi lúc có những vấn đề bất như ý đến với ta, nếu ta không có đủ sức chịu đựng và sựvững tâm thì chúng ta sẽ ngã đổ ngay bất cứ lúc nào. Những lúc mà tâm tư của bạn, cảm xúc của bạn cảm thấy bất an, chán nản và thất vọng là những lúc mà bạn cần phải rất cẩn thận để gìn giữ lấy mình.
Những lúc như vậy, bạn cần phải có sự bình tĩnh, tỉnh táođể thấy rằng mình đang có những cảm xúc khó chịu, bất an và vận dụng những phương pháp thiền tập, những lời Phật dạy để giúp mình đi qua những giai đoạn khó khăn như vậy. Ai cũng có những lúc khó khăn, xung đột trong tâm thức nhưvậy cả. Và mỗi lần ta vượt qua những khó khăn đó thì ta sẽ có thêm kinh nghiệm và lớn khôn lên với chính mình. Vậy bạn hãy thực tập làm sao để bạn có thể làm chủ cảm xúc của mình trong những lúc khó khăn là điều rất quan trọng.
Đây là một vài kinh nghiệm trong sự tu tập có thể giúp bạn trong những lúc bạn cảm thấy yếu đuối, bất an.
Những lúc ta lâm vào các trạng thái thất vọng, chán nản, lo lắng, hoặc giận hờn, chúng ta có cảm tưởng như là mình đi ngang qua một cơn bão tố. Lúc đó ta thấy mình như là một thân cây đang đứng trong cơn lốc. Nếu nhìn lên ngọn cây bạn sẽ thấy cành lá oằn oại như có thể bị gãy ngã hoặc cuốn theo cơn lốc bất cứlúc nào. Nhưng nếu bạn nhìn xuống thân cây - nhất là cội cây – và biết rằng các rễ cây đang bám rất vững chắc trong lòng đất thì lúc đó bạn sẽ thấy thân cây vững chãi hơn và bạn sẽ an tâm hơn. Thân và tâm của chúng ta cũng vậy. Trong cơn lốc của cảm xúc, nếu bạn biết dừng lại và làm chủ cảm xúc của mình thì những cảm xúc kia sẽ qua đi mà không gây tác hại cho bạn. Những lúc như thế, bạn nên rời ngay khỏi vùng bão tố, tức là những suy nghĩ, lo toan của tâm trí và di chuyển sự chú tâm định xuống nơi bụng của bạn rồi bạn thực tập theo dõi hơi thở: Thở những hơi thật sâu và thật chậm, chú ý đến sự vào ra, phồng lên và xẹp xuống của bụng bạn. Thực tập như vậy trong vòng một vài phút, bạn sẽ thấy rất vững vàng và định tĩnh trở lại. Bạn không chỉ là cảm xúc khó chịu mà thôi, cảm xúc khó chịu đến rồi đi chứ không hề tồn tại lâu dài, và bằng sự thực tập của bạn, ban sẽ khôi phục lại con người của bạn. Bạn sẽ lấy lại sự bình an, định tĩnh một cách dễ dàng.
Dưới sự trấn ngự của cảm xúc, nếu bạn không biết trở về để làm chủ cảm xúc của mình thì bạn sẽ có cảm tưởng rất mong manh, dễ tan vỡ và bạn có thể đánh mất sựtrầm tĩnh và bình an của bạn một cách dễ dàng. Có nhiều người vì không biết xửlý những cảm xúc mãnh liệt của họ nên khi khổ đau quá – do thất vọng, sợ hãi hay giận dữ - họ nghĩ rằng phương pháp duy nhất để chấm dứt khổ đau là chấm dứt cuộc đời họ, hoặc là sự buông xuôi mặc cho hoàn cảnh đưa đẩy đến đâu thì đến. Nghĩ như vậy thì rất là tai hại và nguy hiểm. Họ đã quên mất rằng: Chính mình là người chịu trách nhiệm các hành vi của mình, là chủ nhân của cuộc đời mình.
Vì vậy, lúc bị những cảm xúc mạnh trấn ngự thì bạn hãy nên bình tĩnh để giữgìn, chăm sóc cảm xúc của mình. Bạn hãy thực tập thở như phương pháp ở trên. Bạn có thể đi vào trong phòng riêng của bạn, ngồi xếp bằng trong tư thế hoa sen (kiết già hay bán già) một cách vững chãi - hoặc giả lúc đó bạn đang rất yếuđuối, mệt mỏi thì bạn có thể nằm xuống giường - để thực tập quán niệm về hơi thở, về cảm xúc của bạn. Bạn chú tâm theo dõi sự vào ra của hơi thở và sự phồng lên xẹp xuống của bụng mình bằng tất cả sự thương yêu và ý thức của bạn. Thực tập như vậy, dần dần bạn sẽ đi ra khỏi vùng bão tố, cho đến khi tâm hồn bạn lắng dịu, nhẹ nhàng, tức là bạn đã thành công. Đây là phương pháp mà kinh thường gọi là Quán niệm về hơi thở, rất mầu nhiệm và thực tiễn, có khả năng giúp chúng ta khôi phục lại chính mình và làm chủ cảm xúc của mình một cách nhanh chóng.
Thực tập hơn thở ý thức, giúp chúng ta lấy lại sự định tâm, lắng dịu và an lạc của tâm hồn và nhất là giúp ta trong những lúc bất an, khó chịu. Thấy được như vậy thì bạn nên thực tập quán niệm về hơi thở mỗi ngày, không nên đợi đến khi có tâm trạng bất an, khổ đau rồi mới thực tập. Bạn hãy thực tập hàng ngày để có thói quen tốt và chính nhờ công phu thực tập đó nên mỗi khi có cảm xúc bất an, khó chịu và đau khổ đến, bạn sẽ tự nhiên biết cáchđể điều phục chúng một cách dễ dàng.
Hạnh phúc hay khổ đau, tất cả đều do bạn, nhưng tôi sẽ không vui chút nào khi thấy bạn khổ đau. Vì vậy tôi chúc bạn tu tập thành công để có hạnh phúc trong cuộc sống.
Thích Nhuận Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét