17 thg 12, 2012

CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG CỦA HERMANN HESSE

"Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse, Phùng Khánh - Phùng Thăng dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn tháng 9-2009

Về tác phẩm "Siddhartha" hay "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse


Tác phẩm "Tất Ðạt Ða" hay như Hermann Hesse đã có lần gọi "Thi ca xứ Ấn" đã xuất hiện lần đầu tiên năm 1922 do nhà xuất bản S. Fischer tại Bá Linh ấn hành. Trước khi tác phẩm này ra đời, như Hesse đã ghi chú trong một lá thư ngày 5. 2. 1923, "đã có không những chỉ 3 năm bộn bề công việc và kinh nghiệm nhọc nhằn mà còn có hơn hai mươi năm trăn trở thao thức đa dạng với hiền triết Ðông phương". Hesse đã bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết mà ông thường gọi là câu chuyện Tất Ðạt Ða vào mùa đông năm 1919, sau khi viết xong phần đầu thì bị khủng hoảng sáng tác mất gần một năm rưỡi trời. Năm 1920 Hesse đã ghi trong tập "Từ một cuốn nhật ký": "Trong tác phẩm "Thi ca xứ Ấn" của tôi việc sáng tác đã rất tuyệt vời bao lâu tôi còn thi hóa được những gì mà tôi sống thật: tâm trạng của chàng Bà la môn trẻ tuổi thao thức đi tìm chân lý, rồi tự dằn vặt và tự ép xác khổ hạnh, rồi dần dần học được sự tôn thờ kính nể những gì cao cả và sau đó nhận chân rằng chính sự kính nể này lại là một trở ngại để tiến đến điều tuyệt đối. Khi tôi đã chấm dứt giai đoạn đi với chàng Tất Ðạt Ða nhẫn nhục và khổ hạnh và định bắt đầu sống với chàng Tất Ðạt Ða chiến đấu quằn quại đau khổ, rồi với chàng Tất Ðạt Ða kẻ chiến thắng, kẻ thừa nhận và chế ngự cuộc đời, thì bị tắt nghẽn không sáng tác được nữa."
Với lời tuyên bố thành thật này, Hesse không những đã cho ta biết cơ cấu hình thức của câu chuyện, mà còn cho ta biết rằng ông chỉ muốn diễn đạt những biến chuyển và trạng thái nội tâm của chính mình trong câu chuyện thần thoại Ấn độ đang sáng tác, những cảm xúc mà ông đã nhận thức và đã thực sự trải qua. Năm 1919 cũng là năm mà Hesse chia tay với gia đình và đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn về mặt xã hội cũng như tâm lý. Chính hoàn cảnh ấy đã ảnh hưởng phần nào sự khủng hoảng sáng tác của ông. Bởi thế Siddhartha đã mang những nét tiểu sử của chính tác giả và phần thứ hai của tác phẩm có thể xem như giai đoạn giải phóng và tự qui của chính bản thân tác giả. Trong lúc sinh thời, Hesse thường chống lại lối giải thích cho rằng "Tất Ðạt Ða" (hay "Câu chuyện dòng sông") là một quyển sách giáo huấn, có nghĩa là một loại sách làm kim chỉ nam hướng dẫn đi đến chân lý hiền triết hay đạt đến cách sống đứng đắn. Ông không bao giờ có ý hướng đóng vai trò một nhà mô phạm hay một người lãnh đạo phong trào - như ông đã thổ lộ năm 1953 trong một bức thư nhìn lại quá khứ của mình, "mà đúng hơn là một kẻ tự thú, một người hướng thượng và là một kẻ đi tìm, một kẻ không có gì khác để trao tặng con người ngoài sự thú nhận chân thành khả thể nhất về những điều kẻ ấy đã trải qua và đã trở thành trọng yếu cho cuộc sống của chính mìnn".
Có một ghi chú của Hesse trong lời nói đầu cuốn Siddhartha phát hành tiếng Ba-tư rất bổ ích cho việc hiểu rõ Siddhartha. Ở đó Hesse đã tả tác phẩm Tất Ðạt Ða (Câu chuyện dòng sông) như là "sự thú nhận của một người vốn có nguồn gốc giáo dục theo Ki tô giáo, đã rời bỏ nhà thờ rất sớm và đã cố gắng tìm hiểu các tôn giáo khác, nhất là của Ấn độ và của Trung Hoa. Tôi tìm cách để biện minh và lập luận cho những gì làm nền tảng chung cho tất cả các tôn giáo và những hình thức hiếu thuận của con người, những gì vượt lên trên tất cả những khác biệt quốc gia, những gì đều được mỗi chủng tộc và mỗi cá nhân riêng lẻ tin tưởng và kính trọng."
Trong tương quan với những điều nói trên cũng nên nêu rõ ở đây rằng Hesse không những chỉ thông suốt lịch sử văn hóa Tây phương mà còn quán triệt kiến thức sâu sắc của gia tài văn hóa Á đông như Ấn độ và Trung hoa trên các bình diện văn chương, tôn giáo và triết lý qua các tác phẩm của Leopld Schroeder (Bhagavadgita) và Karl Eugen Neumann (Lời dạy của Ðức Phật), cũng như của Martin Buber (chuyện tình và chuyện ma của Trung quốc) và của Richard Wilhelm (Lão tử, Trang tử, Lý tử). Ngay cả yếu tố nguồn gốc gia đình cũng đã hỗ trợ ông trong việc hiểu biết văn hóa Á châu. Ông ngoại của ông, ngài Hermann Gundert, đã được xem là người hiểu biết sâu xa thế giới văn hóa Ấn độ. Thân phụ ông đã nhiều năm phục vụ công tác truyền giáo tại Ấn và cuối cùng, người anh họ mà ông rất thân, ông Wilhelm Gundert đã được đánh giá là một trong những người chuyển đạt văn hóa miền viễn đông quan trọng nhất với tác phẩm dịch sang Ðức ngữ "BÍCH GIAN LƯU" (BI-Yän Lu: Bản văn về Thạch bích động). Năm 1911 Hesse đã làm một chuyến viễn du sang Ấn độ - như ông nói – do "nhiều thôi thúc túng quẫn nội tâm", đến năm 1913 chuyến viễn du này thoạt tiên đã được ghi thành tài liệu trong cuốn ký sự "Từ xứ Ấn. Ghi chép về một chuyến viễn du Ấn độ.", nhất là trong truyện ngắn "Người Âu châu" và cuối cùng đã được Hesse mài dũa văn chương theo nội dung nên thơ và triết lý của nó trong cuốn Siddhartha.
Cuộc viễn du của Hesse đã chấm dứt với sự thất vọng: "Lòng đầy khao khát, chúng tôi đã đi về miền Nam và miền Ðông, bị thôi thúc bởi niềm linh cảm mịt mờ và tri ân, và nơi đây chúng tôi tìm thấy được Thiên đường, sự phong phú và lộng lẫy giàu có của tất cả những ưu sủng thiên nhiên, chúng tôi tìm thấy những con người đơn giản mộc mạc và trẻ thơ. Nhưng chính chúng tôi lại thật là khác biệt, ở đây chúng tôi là những kẻ xa lạ và không có một chút quyền công dân nào, từ lâu lắm chúng tôi đã đánh mất Thiên đường, và cái thiên đường mới mà chúng tôi muốn có và muốn xây dựng lại không tìm thấy được ở nơi miền xích đạo của trái đất, lại cũng không ở những vùng biển nồng ấm của miền đông mà nằm ngay chính trong chúng tôi và trong tương lai riêng tư của miền bắc."
Hình ảnh lý tưởng Ấn độ mà Hesse đã nuôi dưỡng từ thời thơ ấu đã đưa ông đến những kinh nghiệm viễn du đầy thất vọng này và rốt cùng dẫn đến sự nhận thức rút tỉa những hứng khởi từ triết lý Ðông phương và nhất là từ thế giới quan Phật giáo, nhận thức về tính nhất thể của nhân loại và về sức mạnh của tư duy nhất thể trong mỗi một người. Trong tập ghi chú nhật ký ngày 17. 2. 1921 Hesse đã diễn tả nội dung triết lý của kinh nghiệm chuyến đi Ấn độ như là "sự trở về cái Toàn thể không phân chia của mỗi cá thể, là bước đi giải thoát (giải phóng) sau cái nguyên lý nhất thể không chia cắt, và như thế, nói theo ngôn ngữ tôn giáo, là sự trở về của mỗi linh hồn cá thể (tiểu ngã) với linh hồn toàn thể (đại ngã), sự trở về với đấng tuyệt đối".
Trong viễn tượng nói trên, Siddhartha của Hesse là một bản tường thuật về kinh nghiệm sống, diễn tả sự nhất quán của những mâu thuẫn khai trừ lẫn nhau trong chính CÁI TÔI, CÁI NGÃ riêng tư trong bối cảnh của một Ấn đọ vô không gian và đầy huyền bí.
Trong ý nghĩa này có thể nói trong Siddhartha những yếu tố tây phương cũng như đông phương đã được liên hợp với nhau. Trên phương diện hình thức - và từ quan điểm Tây phương – có thể đọc Siddhartha như một tập truyện dù đã được "ngoại hóa" bằng những chất liệu Á đông nhưng vẫn còn nằm trong truyền thống của loại tiểu thuyết giáo dục triển khai của Ðức, từ lý do Hesse đã dựa vào lịch sử cuộc đời của Ðức Phật Cồ Ðàm lịch sử có tên là Siddhartha (Siddhartha có nghĩa là kẻ đã đạt được mục đích của mình). Ngay cả cơ cấu bên ngoài của cốt chuyện, gồm có hai phần chính với 4 chương cũng như 8 chương liên hệ, theo Leroy R. Shaw, người bình giải tác phẩm của Hesse và là người đầu tiên đưa ra nhận xét này, cũng có thể hiểu Hesse đã dựa vào lời dạy của Ðức Phật về Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo để cấu tạo bộ sườn của cốt chuyện. Từ quan điểm nội dung, khi diễn tả lịch sử trưởng thành của người con trai thuộc dòng bà la môn Siddhartha, Hesse đã dựa vào lời dạy của Ðức Phật về sự trở thành nhất thể, nhất quán giữa Ngã thể và ý niệm Ðại ngã tuyệt đối. Nhưng tất cả những điểm giải thích về hình thức cũng như về nội dung ấy không nên được đánh giá một cách quá đáng, bởi lẽ ngay trong trung tâm của tác phẩm vấn đề tôn giáo nói đến không phải là một vấn đề đặc thù mà là một vấn đề phổ quát và cái "mô típ" tôn giáo đông phương trong Siddhartha có lẽ cũng có thể xem như những dấu mật mã cho biết tương quan sâu xa của Hesse đối với truyền thống tôn giáo của ông, ví dụ Ðức Phật có thể được hiểu trong tâm khảm của Hesse là hình ảnh lý tưởng mà Hesse muốn thấy trong biểu tượng Jesus quen thuộc hay tiếng "OM" có thể hiểu như là vương quốc của đấng tối cao tuyệt đối.
Thái Kim Lan

Phỏng dịch tài liệu của U. Winko, Kommentar zu Hermann Hesses "Siddhartha", ấn bản 2002 trong "Tuyển tập văn học Ðức Việt", bản song ngữ Ðức Việt, nhà xuất bản Ðà nẳng.
Lời Người Dịch

Quyển "Câu chuyện dòng sông" dịch từ chuyện "Siddhartha" trong tập "Weg nach Innen" (Đường về nội tâm) của Herman Hesse.

Hermann Hesse là một văn hào của văn học Đức ở thế kỷ XX, sống cùng một thế hệ với Thomas Mann, Werfel, Wassermann và E.Vl Salomon.

Hesse sinh năm 1877, được giải thưởng Nobel về văn chương năm 1946, tác giả nhiều tập thơ và nhiều cuốn tiểu thuyết bất hủ như Peter Camenzind (1904), Demian (1919), Der Steppenwolf (1927), Narziss und Goldmund (1930), Das Glaserlenspiel (1943).

Tất cả tác phẩm của Hermann Hesse đều nói lên niềm cô đơn tâm linh của con người thời đại, nỗi thao thức triền miên của những tâm hồn khát khao đi tìm một chân trời mới cho đời mình và nhất là những nỗ lực vô hạn để vươn lên mọi ràng buộc của thân phận làm người.

Trọn tác phẩm của Hermann Hesse là lời thánh ca bay vút lên chín tầng trời, vọng lên nỗi đau đớn vô cùng của kiếp sống và lòng hướng vọng nghìn đời của con người, dù bơ vơ bất lực mà vẫn luôn luôn tha thiết đi tìm giải thoát ra ngoài mọi giới hạn tầm thường của đời sống tẻ nhạt:

"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này".

Und allem Weh zum Trotze bleib ich.
Verliebt in die verruckt Welt.


Khi viết dòng thơ trên phải chăng Hermann Hesse đã muốn nói lên tất cả ý nghĩa của sự nghiệp văn chương ông giữa cơn biến động phũ phàng của thời đại? Ý nghĩa thâm trầm ấy cũng bàng bạc trong quyển"Câu chuyện dòng sông".
Đọc "Câu chuyện dòng sông" chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời đáng sống và chứa đựng muôn ngàn hương sắc tuyệt vời, mà chúng ta thường bỏ quên và đánh mất giữa đời sống thường nhật. "Câu chuyện dòng sông" là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta; đó cũng là hình ảnh muôn thuở của trần gian và của mộng đời bất tuyệt.

Phùng Khánh, Phùng Thăng


Tóm tắt nội dung
Khi Siddhartha, con trai của một Brahmin, trở nên mất lòng tin vào những lời cầu nguyện và cách sống cứng nhắc của lối sống Ấn Độ giáo, anh bỏ nhà ra đi cùng với Govinda, người bạn rất ngưỡng mộ anh ta. Họ tham dự vào nhóm của các samana, là những nhà sư đi lang thang sống trong rừng và cố gắng chinh phục bản thân bằng tự kỉ luật đầu óc và các cách sống khổ hạnh. Sau ba năm sống kham khổ như vậy, hai người bạn trẻ nghe nói về Phật và từ bỏ lối sống khổ hạnh để đến nghe lời giảng của ông. Govinda tham gia vào tăng đoàn của các nhà sư Phật giáo, nhưng Siddhartha tự tin rằng chỉ có kinh nghiệm bản thân chứ không có lời dạy bên ngoài nào có thể dẫn tới kiến thức thật sự và sự khai sáng. Vào thời điểm này, Siddhartha quyết định "tự đi tìm chính mình" và nhập vào lại thế giới trần tục.
Không lâu sau Siddhartha đến nhà của một kỹ nữ giàu có và xinh đẹp, Kamala, người cũng tỏ vẻ quý mến chàng trai trẻ. Cô ta nói rằng để dạy cho chàng nghệ thuật tình yêu, chàng phải đi tìm một công việc làm và quay trở về với các món tặng phẩm. Siddhartha trở thành trợ lý cho một lái buôn, Kamaswami, và trở thành một thương gia thành công. Ban đầu anh không vướng bận và có vẻ chế nhạo về cách những "người như trẻ con" hay quan trọng hóa mọi vấn đề hàng ngày, nhưng dần dần thì chính anh cũng đắm chìm trong cuộc sống cờ bạc và những mối tham lam. Cuối cùng, phiền não và mệt mỏi với cuộc đời trống rỗng với những trò chơi không đâu vào đâu, anh ta quyết định rời xa thành phố đó mãi mãi.
Bối rối và tuyệt vọng, Siddhartha đến bên một dòng sông và toan nhảy xuống trầm mình tự vẫn. Bỗng nhiên anh nghe dòng sông thì thầm âm thanh "Om," chính là biểu tượng Dharma về sự thống nhất của mọi thứ trong vũ trụ này. Những người thật sự hiểu được ý nghĩa của âm thanh này là những người đã khai sáng. Tất cả những ý nghĩ muốn tự tử đều biến mất.
Sau một giấc ngủ dài hồi phục lại cả về thể xác lẫn tâm linh, Siddhartha gặp lại lần thứ hai người lái đò đã khai sáng, Vasudeva, và quyết định ở lại với ông ta. Cả hai làm việc cùng nhau như là những người đưa đò và sống trong bình yên và an phận. Cùng nhau, họ lắng nghe rất nhiều âm thanh của dòng sông, hòa lẫn nhau trong một âm thanh linh thiêng: "Om."
Trong khi đó, Kamala đã hạ sinh con trai của Siddhartha mà ông ta không hề hay biết. Khi bà cùng con trai trong một cuộc hành hương đến viếng Phật đang hấp hối, Kamala bị rắn độc cắn gần bờ sông. Vasudeva tìm thấy bà và đem bà về ngôi nhà nhỏ mà ông đang sống chung với Siddhartha. Trước khi qua đời, bà nói với Siddhartha cậu bé là con trai của ông. Siddhartha chăm sóc cậu bé đã được nuông chiều quá mức và cố gắng dạy cho cậu thưởng thức cuộc sống giản dị. Ông đã không thành công, cậu bé bỏ đi, quay trở lại thành phố. Siddhartha, lo lắng, bỏ đi tìm cậu ta. Vasudeva cảnh giác rằng là người cha Siddhartha phải để mặc cho cậu ta, phải để con trai phải trải qua những đau khổ riêng của cậu--cũng như ngày xưa cha của Siddhartha đã để cho ông bỏ nhà ra đi. Điều này minh họa một trong những chủ đề quan trọng của cuốn sách: kiến thức có thể được dạy, nhưng sự thông thái đến từ kinh nghiệm.
Bây giờ Siddhartha đã thật sự được khai sáng. Nhận ra điều này, Vasudeva đi vào rừng và qua đời trong bình an. Người bạn đồng hành thời trai trẻ của Siddhartha, Govinda, đi ngang qua dòng sông, vẫn còn là một nhà sư Phật giáo và vẫn còn đang đi tìm sự khai sáng. Khi ông hỏi những lời dạy nào đã đem lại Siddhartha sự bình an, Siddhartha trả lời rằng đi tìm quá ráng sức có thể cản trở việc tìm ra chân lý, rằng thời gian chỉ là ảo giác, và tất cả mọi thứ đều là một, và tình thương tất cả mọi thứ trên thế gian này là điều quan trọng nhất trên thế giới.
Sau đó Siddhartha yêu cầu người bạn vẫn còn đang hoài nghi hôn lên trán của ông. Sau khi làm theo lời bạn, Govinda không còn thấy bạn mình là Siddhartha nữa, mà ông thấy một biển cả bao la của người, muôn thú, cây cỏ, và những vật thể khác của thế giới. Do đó, Govinda khám phá ra vũ trụ này là một thể thống nhất, cũng như Gotama, Vasudeva, và Siddhartha đã khám phá ra điều đó trước ông. Govinda nhận ra sự thật toàn vẹn và sự thông thái của Siddhartha, trong lòng tràn ngập vui sướng, cuối xuống lạy Siddhartha.
(http://vi.wikipedia.org/wiki/Câu_chuyện_dòng_sông)
http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/thumb/c/cb/Siddhartha_Novel.jpg/353px-Siddhartha_Novel.jpg

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/c/c1/Hermann_Hesse_1927_Photo_Gret_Widmann.jpg/240px-Hermann_Hesse_1927_Photo_Gret_Widmann.jpg

Hermann Hesse in 1927
http://www.phapvan.ca/pv/Pictures/WTH1.jpg

Năm 1965 tác phẩm "Siddhartha" đã được dịch giả Phùng Khánh (và em gái của cô là Phùng Thăng) Việt dịch từ bản tiếng Anh và nhà xuất bản Lá Bối đã xuất bản liên tiếp hai lần trong vòng một năm: 1965 và 1966 (và sau đó nhiều lần) với sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới trí thức và độc giả trẻ thời ấy. Dịch giả Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh năm 1964 xuất gia với Sư bà Diệu Không, từ đó có pháp hiệu là Thích Nữ Trí Hải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét