16 thg 12, 2012

BỮA CƠM TÌNH NGƯỜI

Bữa cơm tình người

Lau vội những giọt nước mắt và tránh cái nhìn của người đối diện, anh Nam – thân nhân của một bệnh nhân ung thư đang nằm tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, nói: “Nói thiệt với chú, 3 tháng nay, nếu không có những bữa cơm từ thiện chắc tôi đã chết đói rồi”. Ở một thành phố sôi động như TPHCM vẫn có nhiều tấm lòng âm thầm làm từ thiện bằng những bữa cơm thấm đẫm tình người.


Một miếng khi đói…

Anh Nam là chồng của chị Huệ – người bị ung thư gan đang điều trị nằm tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã gần một năm nay. Anh chị ở Mộc Hoá (Long An), làm nông, cuộc sống nghèo khó lại bị bệnh nan y.

Ngôi nhà và mảnh vườn cha mẹ cho ra riêng anh đã bán để lấy tiền mua thuốc men chạy chữa cho chị. Hai đứa con nhỏ phải về ở nhờ nhà ông bà nội. Gần 2 tháng nay anh hết sạch tiền, nợ nần thì chồng chất.

Chị nằm viện, anh theo nuôi. Nhờ những bữa cơm từ thiện mà anh sống qua ngày để gắng nuôi chị, với cầu mong chị chóng hết bệnh. Không riêng gì anh Nam, rất nhiều thân nhân nuôi bệnh và cả bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM sống nhờ cơm từ thiện. Những bữa cơm từ thiện là cứu cánh quý giá để họ sống qua ngày, “một miếng khi đói bằng gói khi no”.

Còn dưới chân cầu Lê Văn Sỹ có một quán cơm trương bảng hiệu hẳn hoi: “Thiện Tâm, cơm chay miễn phí”. Theo vợ chồng chú Nghinh - cô Thêm, chủ nhà mượn mặt bằng làm quán cơm Thiện Tâm, cho biết, mỗi ngày ở đây có khoảng 300 người đến ăn cơm chay miễn phí. Người đến quán cơm này là từ anh xe ôm, sinh viên đến người già neo đơn, tật nguyền mất sức lao động...


Chị Lê Thị Thắm quê ở ngoài Bắc vào, bán đồ ráy tai, cứ đúng giờ chị tới đây ăn cơm. Chị tâm sự: “Từ khi có quán cơm đỡ lắm, khỏi phải tốn tiền. Mỗi tháng tiết kiệm tiền cơm cũng được tiền 200.000đ. Số tiền khá lớn ở quê”. Buổi trưa tôi đến, thấy người bán vé số dạo đến ăn cơm đông nhất, hơn 50 người.

Khi bài viết này, tôi được nhiều người mách rằng hãy đến trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy tầm 11g trưa và 4g chiều sẽ có người chở cơm đến phát miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh. Tôi tới lúc 10g sáng, bất ngờ thấy đã có hàng chục người ngồi chờ cơm đến.


Chị Quả (quê ở tận Tiểu Cần, Trà Vinh, nuôi chồng bị suy thận nặng đang nằm viện) đang chờ cơm từ thiện, cho biết: “Không biết người cho cơm đó ở đâu nhưng cứ đúng giờ thì chở lại, phân phát cho mọi người. Tuy là cơm chay nhưng ngon, đổi món liên tục”.

Tôi đang nói chuyện với chị Quả thì thấy một người phụ nữ cưỡi xe Honda trờ tới. Đằng sau xe là một giỏ cần xé nhựa lớn, phía trước thêm một bao đựng cơm. Mọi người ào đến, người phụ nữ ấy bắt đầu phát cơm. Cứ một người có bịch cơm thì kèm theo bịch thức ăn. Trong vòng 15 phút, có khoảng hơn 100 phần cơm được phát miễn phí.

Những tấm lòng

Chị phát cơm từ thiện trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy nói: “Đây là chuyện bình thường, có gì đâu mà lên báo. Nếu anh muốn viết gì cứ đến Chi hội từ thiện Bảo Hoà, ở đó có nhiều người hay lắm!”. Nói xong, chị nổ máy xe chạy mất hút.


Tìm hiểu được biết, Chi hội từ thiện Bảo Hoà nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng – nơi tập trung rất nhiều người đến cùng góp công, góp của để nấu cơm từ thiện cung cấp miễn phí cho nhiều nơi. Có người đã làm công việc này đã 10 năm nay nhưng “làm từ thiện, làm bằng cái tâm, kể lể làm gì”.

Ở TPHCM có nhiều nhóm thiện nguyện, chuyên đứng ra nấu cơm từ thiện cung cấp suất ăn cho người nghèo, người bệnh. Có nhóm 5 – 7 người, có nhóm hơn chục người. Như ở chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), chợ An Đông (Q.5), chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh)… có nhiều tiểu thương ngoài việc buôn bán còn tập hợp một nhóm người chuyên đi quyên góp và nấu những bữa ăn đem đến các bệnh viện, những nhóm mồ côi.


Không ít Việt kiều sau bao năm xa quê, giờ về nước muốn làm từ thiện đã cùng gia đình, bạn bè góp tiền mua gạo, mì gói, thịt… đem đến tặng các bếp ăn từ thiện. Hội Chữ thập đỏ quận Bình Thạnh có đội từ thiện lên đến 30 người tham gia nấu cơm từ thiện. Họ vận động các nhà hảo tâm, những mạnh thường quân đóng góp để có kinh phí mua thực phẩm.

Họ phải cùng nhau thức dậy từ 3g sáng, người nấu cơm, người làm thức ăn… rồi thuê xe chở đến bệnh viện phân phát. Phần cơm của họ cũng ngon, ngoài cơm trắng thường có món mặn như thịt kho, khi thì trứng, lúc thì đậu hủ dồn thịt, canh khổ qua, canh chua…

Điều bất ngờ: Có một số nhà hàng tình nguyện nấu những bữa cơm từ thiện đem đến nhiều nơi phát miễn phí cho người bệnh, người già neo đơn, những em trong mái ấm tình thương…


Như Làng du lịch Bình Quới mỗi tuần đều có khoảng 10 người thay phiên nhau đến nấu cơm từ thiện tại Bệnh viện Ung bướu, hoặc nấu tại khu du lịch rồi chuyển đi phát, mỗi lần vài trăm suất ăn. Để có kinh phí nấu ăn từ thiện, mỗi tháng cán bộ công nhân viên trích một ngày tiền công vào quỹ từ thiện.

Trong câu chuyện của những người làm từ thiện, có người rất bận bịu, người không có tiền nhưng vẫn muốn góp sức mình, bỏ ra một ngày để phụ nấu cơm từ thiện và xem đó là niềm hạnh phúc, niềm vui của mình.

TẤN THIÊN

Bếp cơm thiện nguyện chùa Bảo Vân


Không những phục vụ 2.500 đến 3.00 suất cơm mỗi ngày cho bện nhân, thân nhân từ các tỉnh thành đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu và các bệnh viện khác, bếp cơm chùa Bảo Vân còn trang bị một xe cấp cứu dùng trung chuyển bệnh nhân nặng, nghèo trở về các tỉnh, thành hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra Ban từ thiện chùa Bảo Vân cũng đã hỗ trợ viện phí cho những hoàn cảnh ngặt nghèo ...
Một ngày vất vả của những người tình nguyện phục vụ bếp cơm từ thiện chùa Bảo Vân (đặt tại số 23/4 Nơ Trang Long, P.7, Q.Bình Thạnh) bắt đầu từ 3 giờ 30 sáng và kết thúc khi trời đã tối mịt. Và đã từ 3 năm qua, ngày nào cũng vậy, bếp lửa đêm vẫn sáng đều đặn làm chỗ nương nhờ cho người bệnh và thân nhân nghèo trong những lúc khó khăn, bệnh tật.
bepcomtuthien-1.jpg

Chia sẻ bữa cơm cho bệnh nhân
Ấm lửa tình người
Sư cô TN.Như Giác, Trưởng ban Từ thiện chùa Bảo Vân nói: “Việc làm này xuất phát từ tấm lòng từ bi, san sẻ của nhiều người chung tay góp sức cho người khó khăn chứ một mình đâu làm gì được. Mình chỉ là người quản lý chung, làm sao giữ hòa khí, sự đồng lòng trong anh chị em tình nguyện để công việc chung được trôi chảy, như ý… có như thế thì bữa cơm dành cho bệnh nhân mới ngon, ý nghĩa hơn”.
Nói thì đơn giản thế nhưng để bếp cơm ấm tình nhân ái được như ngày nay thì mồ hôi, công sức và tình thương của mọi người được đặt trọng tâm để tất cả đều nỗ lực. Vì thế có bệnh nhân ăn cơm lâu năm ở đây bảo vui rằng: “Bếp cơm đã được ‘lên đời’ từ bếp cháo tình thương cách đây đã 11 năm”. Sư cô TN.Như Giác cho biết, những ngày chuyên phục vụ cháo sáng, các Sư cô cùng Phật tử đã phải đem bếp cháo phục vụ cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, lâu ngày bệnh nhân đông lại phục vụ thêm cho bệnh nhân Bệnh viện Ung Bướu. Bếp cháo ấy cũng đã dời đi, đổi địa điểm mấy lần nhưng vẫn không ngày nào ngơi nghỉ, vắng một hôm là bệnh nhân không có cháo mà ăn, thấy thương lắm. Nên dù có khó khăn mấy, nồi cháo ấy vẫn ấm lửa, bát cháo tình người vẫn ngút khói bởi ngày càng có nhiều bàn tay góp sức để chung lo với bệnh nhân vượt qua lúc ngặt nghèo.
Hiện nay, mỗi ngày bếp cơm tình thương chùa Bảo Vân phục vụ ngày hai bữa cơm trưa và chiều, mỗi ngày 2.500 đến 3.000 suất cơm cho bệnh nhân nghèo từ các tỉnh thành đến điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu, Phạm Ngọc Thạch, Y Học Cổ Truyền; ngoài ra những hôm bệnh nhân từ các tỉnh được phẫu thuật ghép thủy tinh thể tại các bệnh viện, bếp cơm vẫn phục vụ thêm cho những người này. Điều đáng trân trọng là dù chùa phục vụ hai bữa cơm chay chính cho bệnh nhân nhưng vẫn duy trì nồi cháo sáng và sữa đậu nành cho người bệnh.

bepcomtuthien-3.jpg

Bà Nhung và tình nguyện viên đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều
Một ngày “mục sở thị” ở con hẻm rộng này mới thấy hết những tấm lòng tận tụy ở bếp cơm chùa Bảo Vân. Bắt đầu từ 6 giờ sáng bệnh nhân đã xếp hàng dọc dài để nhận cháo, rồi đến 9 giờ 30 lại đến giờ phát cơm trưa, 15 giờ 30 đến cơm chiều, lúc nào bệnh nhân cũng đông, phải xếp hàng và trình giấy nhập viện nhưng người nào cũng nhận được phần của mình. Một tình nguyện viên xét phiếu nhập viện cho biết, sở dĩ làm việc này là để tránh tình trạng bên ngoài vào xin cơm nhiều thì bệnh nhân thật sự khổ phải mất phần thì tội nghiệp lắm nên Ban Từ thiện bắt buộc phải thực hiện quy trình thật nghiêm túc. Và dù đông đúc nhưng nhờ làm việc khoa học, ai cũng có cơm nóng với canh, kho… có khi một người nhưng xin cho hai ba người vẫn được. Sư cô Như Giác nói vui: “Hiện nay, Bệnh viện Ung Bướu cũng có bếp cơm từ thiện nhưng chẳng biết sao lúc nào bếp cơm bên hẻm nhỏ này vẫn đông đúc lắm”.
Tấm lòng thiện nguyện
Để khoảng 3.000 bệnh nhân có bữa cơm mỗi ngày, Ban Từ thiện chùa Bảo Vân đã phải trang bị dụng cụ nhà bếp và chuyên nghiệp hóa bếp ăn. Hiện nay, bếp cơm đã thật sự khang trang, cơm được hấp bằng nồi hơi, và hệ thống bếp bằng lò ga khép kín rất sạch và an toàn. Mỗi ngày, anh chị em tình nguyện viên phải nấu 350kg gạo nên nhà bếp lúc nào cũng đông người phục vụ, phải huy động đội nấu từ 15 đến 20 người từ các tỉnh về tình nguyện và 20 người công quả tại TP.HCM cho khâu gọt cắt rau củ quả. Và chùa huy động một xe chuyên đi xin rau củ quả từ các chợ rau đầu mối về để chuẩn bị cho mỗi ngày.

bepcomtuthien-2.jpg

Bệnh nhân xếp hàng chờ nhận cơm trưa
Bà Trương Thị Nhung (86 tuổi) quê tại xã Định Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp đã hướng dẫn một tổ thiện nguyện 16 người gồm cháu ruột, con ruột và bà con quanh xóm đến phục vụ tại bếp cơm từ thiện chùa Bảo Vân, mỗi đợt tổ phục vụ liên tiếp 1 tháng, năm nay nhóm của bà đăng ký phục vụ 4 tháng. Tấm lòng thiện nguyện của bà Nhung ai cũng quý bởi đã 20 năm qua bà từng phục vụ tại các bếp tình thương của Bệnh viện tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, TP.HCM… nơi nào cần thì bà sẵn sàng đến giúp và kêu gọi mọi người cùng giúp. Bà nói công việc gắn với bà xuất phát từ cái tâm biết thương người nghèo khó, bản thân bà và những người cùng nhóm không có của cải, vật chất nhưng còn có cái công, chung sức nhỏ bé để bữa cơm cho bệnh nhân nghèo được chu đáo hơn.
Hiểu, chia sẻ với công việc ý nghĩa này, anh Lê Văn Phướng (28 tuổi), Nguyễn Văn Thuần (25 tuổi), Lê Hữu Cảnh (15 tuổi) là con và cháu của bà Nhung cũng đã theo chân bà phục vụ trong đội nấu được hai năm qua tại bếp cơm từ thiện chùa Bảo Vân. Sư cô TN.Như Giác cho biết: “Bếp cơm phục vụ cho bệnh nhân chu đáo là nhờ vào sự tận tâm của những nhóm tình nguyện, họ không nề hà gì từ công việc nhỏ đến công việc lớn và luôn thể hiện được sự hoan hỷ bởi ‘cách cho’ hơn là ‘của cho’ dù có vất vả đến mấy”. Điều đáng quý là những nhóm tình nguyện từ các tỉnh thành đến phục vụ bếp ăn chùa Bảo Vân là những nông dân, họ tranh thủ những ngày rảnh việc đồng áng, tranh thủ hùn công đức cho việc phước thiện này và với họ “biết đủ và được góp sức trong việc từ thiện là thấy mình giàu hơn rồi”. Đó là cái lý đơn giản để mỗi ngày tình nguyện viên chia bớt nỗi buồn, sự lo lắng và nỗi đau với bệnh nhân nghèo.
H.Diệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét