14 thg 12, 2012

BÌNH LUẬN " ĐỜI MẸ CA DAO " của LỤC BÌNH



ĐỜI MẸCA DAO
(Kính dâng huơng hồn mẹ yêu…)
Mẹ nhưcánh rừng cổ tích
Cho con mê thích kiếm tìm
Những chuyện thần tiên màu tím
Giờ này con vẫn còn tin !

Mẹ là cõi trời thơ mộng
Ru con giữa đám phiêu bồng
Qua bao suối sông lạ lẫm
Rồi về bên mẹ… chờ trông !

Mẹ là que kem mát rượi
Làm tan con nỗi nhọc nhằn
Tình thương mẹ như suối tưới
Chứa chan dịu ngọt bao năm.

Mẹ là nàng tiên, cô Tấm
Ap iêu con trẻ đủ điều
Giờ này vẫn còn say đắm
Câu thơ, truyện kể mẹyêu.

Bầu trời, cánh rừng cổ tích…
Theo con từng bước lớn khôn
Những khi vụng về, tinh nghịch
Ca dao lời mẹ vẫn còn…

LỤC BÌNH
(Nhân dịp 8.3.2010)
Văn chương bình dân qua tục ngữ ca dao xuất phát từ cõi lòng chân thật và bình dị của dân gian, qua nhận thức và cảm xúc của con tim rungđộng với ngoại cảnh. Ca dao chỉ cho những bài hát lưu hành phổ biến trong dân gian, có khúc điệu hay không có khúc điệu. Thí dụ như ca dao về tình yêu trai gái:
Gió sao thổi mát sau lưng
Dạ sao dạ nhớngười dưng vô cùng.

Trúc nhớ mai, trúc buồn ngao ngán
Mai trở về, mai nhớ trúc chăng.


Chờ anh cho tuổi em cao
Cho duyên em lạt, má đào em phai.

Đời mẹ ca dao là tiếng lòng thổn thức của người con xa xứ luôn nhớ về người mẹ một đời tận tụy nuôi con khôn lớn, dõi theo từng bước con đi. Tình mẹ hàm chứa lời ru tiếng hát ca dao của một nhân sinh bộn bề khổ đau và hoan lạc. Trong sâu thẳm, mẹ là tất cả: mẹ như cánh rừng cổ tích, mẹ là cõi trời thơ mộng, mẹ là que kem mát rượi, mẹ là dòng suối mát trong, mẹ là nàng tiên, cô Tấm …

Mẹ như cánh rừng cổ tích
Cho con mê thích kiếm tìm
Những chuyện thần tiên màu tím
Giờ này con vẫn còn tin !

Cổ tích thường bắt đầu ngày xưa có một nàng công chúa…hay ngày xưa có một ông vua … Cổ tích của Lục Bình là ngày xưa có mẹ … Trong rừng không có sẵn một con đường nào cả, và cánh rừng trong mẹ hình thành nên một đại ngàn thăm thẳm của tình yêu của mẹ. Lục bình đã đi qua cánh rừng ấy bằng bước chân trẻ con, “mê thích kiếm tìm những chuyện thần tiên màu tím”. Chúng ta thật nhỏ bé khi đối diện với núi rừng, và chỉ có những tâm hồn thơ trẻ mới bước qua được. Khi mình lớn lên, có một gia đình riêng, tưởng chừng như hiểu hết lòng mẹ, nhưng phải hóa thân làm con trẻ năm xưa ấy mới thấm thía những cay đắng ngọt bùi mà mẹ đã trải qua. Tác giả đã tin và vẫn còn tin tình yêu màu tím ấy, vẫn sống trong thề giới xúc cảm của riêng mình, sẻ chia với người đọc một lối đi nhỏ dẫn vào cánh rừng cổ tích trong màn sương buổi sớm.
Mẹ là cõi trời thơ mộng
Ru con giữa đám phiêu bồng
Qua bao suối sông lạ lẫm
Rồi về bên mẹ… chờ trông !

Mẹ là cõi trời, và cũng chính là trời. Trong đạo Phật, mẹ được tôn xưng là “trời Phạm thiên, thầy đầu đời, Phật tại gia ..” mà chúng ta cần phải lễ lạy, cúng dường. Tình yêu của mẹ là một tình yêu không có điều kiện. Tình mẹ là vĩnh cửu, là trái đất bao dung, là đại dương bát ngát, là “cõi trời thơ mộng”. Riêng anh, từ dạo xa quê, dấn thân vào đời, cuống cuồng xoáy theo cơn lốc phù sinh, “qua bao suối sông lạ lẫm” vẫn nặng lòng luyến thương ngày về bên mẹ, để được nghe tiếng hát “ru con giữa đám phiêu bồng”. Chốn xưa dẫu thật gần, nhưng ngày về sao quá xa. Mẹ ngày càng già, mỏi mắt trông con. Mái đầu anh đã bám bụi trần và con tim anh thổn thức tình mẹ. Lời ru của mẹ mãi là hành trang cho anh sống đúng phẩm giá con người. Rồi về bên mẹ … chờ trông ! là một khoảng lặng thở dài sám hối vì đã để mẹ trông chờ. Giờ đây, trong màu nắng chiều nhạt phai, anh liên tưởng đến dáng mẹ hao gầy mà lòng yêu thương vẫn còn đắm say vô bờ bao nỗi nhớ.
Mẹ là que kem mát rượi
Làm tan con nỗi nhọc nhằn
Tình thương mẹ như suối tưới
Chứa chan dịu ngọt bao năm.

Người ta ví “mẹ hiền như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau”, tác giả lại ví “mẹ là que kem mát rượi”. Trời Sài gòn đổ nắng hầm hập, có một cây cà rem cho trẻ con và người lớn ăn ké cũng là ngon thấu trời. Cây kem được kéo ra khỏi khuôn còn bốc khói mù mịt là cả một hạnh phúc. Kem dừa trắng nõn có những sợi dừa ngang dọc, kem đậu xanh vàng sậm bùi miệng, kem chocolat đăng đắng ngòn ngọt … mát rượi, làm tan đi nỗi khát khao, nhọc nhằn trần thế. Mỗi khi chúng ta vấp ngã trên đườngđời, nghĩ về mẹ, như que kem mát rượi, thì cũng vơi đi những khó khăn trước mắt. Khi khôn lớn, con rời xa mẹ, còn đâu hơi ấm những ngày trong nôi … Mẹ là dòng suối dạt dào chảy vào biển đông vô tận, con trưởng thành mẹ vẫn dõi mắt chờ mong: “Biểnđông còn lúc đầy vơi, tình thương của mẹ suốt đời tràn dâng”.
Mẹ là nàng tiên, cô Tấm
Ap iêu con trẻ đủ điều
Giờ này vẫn còn say đắm
Câu thơ, truyện kể mẹyêu.

Mẹ hóa thân làm nàng tiên dịu dàng cho con trẻ thỏa ước mọi điều. Mẹ mang diện mạo và tâm hồn của cô Tấm ngày xưa sớm hôm không ngại gian khó. Nghe mẹkể chuyện cổ tích là một cái thú mà một đứa trẻ nào cũng háo hức không ngừng, dù cho có kể cả ngàn lần vẫn cứ cuốn hút. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật hoang đường đến đâu đều thấm đượm ý nghĩađời người, gốc gác, nề nếp và truyền thống. “Mẹ yêu”, tiếng thốt lên từ con tim yêu thương thiết tha đối với mẹ, là tiếng lòng say đắm vào những đêm thanh vắng, sóng vỗ ngàn khơi, bên bếp lửa hồng, mẹ ngồi kể chuyện cổ tích với nụ cười thật hóm, thật duyên, phóng khoáng mọi nhẽ. Nhìn mẹ kể chuyện, con thấy con có mặt trong mẹ vì con là sự tiếp nối của mẹ. Con xin giữ gìn và tiếp tục nuôi dưỡng những hạt giống an lành và hanh phúc mà con tiếp nhận từ mẹ.
Bầu trời, cánh rừng cổ tích…
Theo con từng bước lớn khôn
Những khi vụng về, tinh nghịch
Ca dao lời mẹ vẫn còn…

Mẹ là ca dao, ca dao là mẹ. Mẹ mãi mãi là “bầu trời, cánh rừng cổ tích … theo con từng bước lớn khôn”. Từ ngày mẹ ra đi đến nay con đã gặp bao chông gai chướng ngại, nhiều khi muốn suy sụp, tuyệt vọng. Và những lúc ấy, con ước gì con còn có mẹ, cóđược sự sưởi ấm thương yêu của mẹ. Thật là diễm phúc những ai còn có mẹ. Có niềm vui nào bằng niềm vui còn mẹ, và có nỗi xót xa nào bằng mất mẹ lâu rồi. Ca dao lời mẹ vẫn còn … trong trái tim con, hiện tại và mãi đến ngàn sau.
Trong kinh Báo Hiếu, đức Phật có dạy:
Ví có người ơn sâu dốc trả
Cõng mẹ cha tất cả hai vai
Giáp vòng hòn núi Tu di
Đến trăm ngàn kiếp ơn kia chưa đền.
Đời mẹ ca dao là nỗi đau day rứt về mẹ, là tâm sự muốn nói cho hết nỗi lòng của tác giả nhớ thương về mẹ. Tác giả muốn gọi lên hai tiếng “Mẹ ơi” và muốn nói với mẹ rằng: “Con thương Mẹ lắm”.

Thiện Quang
7/5/10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét